Bình luận Luật cạnh tranh
- Chi tiết
- Chuyên mục: Tổng hợp
TÓM TẮT - (Th.s Nguyễn Văn Huyên)
Lịch sử kinh tế của loài người được đánh dấu khởi nguyên là hoạt động săn bắn hái lượm chiếm đoạt sản phẩm tự nhiên, tiến dần lên nền kinh tế sản xuất tự túc tự cấp, sau này lại được thay bằng nền kinh tế thị trường xen lẫn nền kinh tế kế hoạch tập trung trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Thực tế lịch sử cho thấy chưa có một nền kinh tế nào ưu việt hơn nền kinh tế thị trường bởi sự đa dạng hóa sở hữu, đa thành phần kinh tế, đa chủ thể kinh doanh và đa lợi ích kinh tế ẩn chứa sự sáng tạo vô tận của con người, nuôi dưỡng sự cạnh tranh để trở thành nguồn năng lượng không bao giờ vơi cạn thúc đẩy kinh tế phát triển không ngừng càng làm cho cạnh tranh trở thành quy luật tất yếu và là nguồn động lực không thể thay thế. Nơi nào triệt tiêu cạnh tranh nơi đó triệt tiêu sự phát triển.
Trong bài viết này chỉ đề cập và phân tích hành vi cạnh tranh không lành mạnh để có nhận thức đúng đắn về hành vi cạnh tranh lành mạnh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh đồng thời chỉ ra những bất cập trong Luật cạnh tranh của Việt Nam so với luật lệ WTO
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Cạnh tranh kinh tế là sự ganh đua giữa các doanh nhân doanh nghiệp nhằm giành lấy lợi thế tương đối để thu được nhiều lợi ích nhất cho mình.
Cạnh tranh có thể xảy ra giữa những nhà sản xuất, phân phối với nhau hoặc có thể xảy ra giữa người sản xuất với người tiêu dùng khi người sản xuất muốn bán hàng hóa, dịch vụ với giá cao, người tiêu dùng lại muốn mua được với giá thấp. Cạnh tranh của một doanh nghiệp là chiến lược của một doanh nghiệp với các đối thủ trong cùng một ngành nghề, một lĩnh vực hay một địa bàn kinh tế xã hội.
Có nhiều biện pháp cạnh tranh: cạnh tranh giá cả (giảm giá) hoặc cạnh tranh phi giá cả (khuyến mại, quảng cáo) hay cạnh tranh của một doanh nghiệp, một ngành, một quốc gia là mức độ mà ở đó, dưới các điều kiện về thị trường tự do và công bằng có thể sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ đáp ứng được đòi hỏi của thị trường, đồng thời tạo ra việc làm và nâng cao được thu nhập thực tế.
Trong xu hướng tất yếu đó, nhà nước ta đã ban hành Luật cạnh tranh ngày 03 tháng 12 năm 2004 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2005.
Nhiệm vụ chủ yếu của Luật cạnh tranh là phân biệt và bảo vệ hành vi cạnh tranh lành mạnh, phân biệt và loại trừ cạnh tranh không lành mạnh ra khỏi đời sống kinh tế xã hội.
2. NỘI DUNG
Luật cạnh tranh chủ yếu là phân biệt những dấu hiệu của cạnh tranh không lành mạnh để doanh nhân và doanh nghiệp không vi phạm những điều cấm của luật để thực hiện nguyên lý tự do kinh tế trong nền kinh tế thị trường đúng như quan điểm của Mác là kinh tế tự mở đường đi cho mình trong khi pháp luật chỉ có vai trò pháp lý hóa sự mở đường của đời sống kinh tế.
So sánh với pháp luật của các nước châu Âu (Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha) vv… thì cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cụ thể của một chủ thể vô tình hay cố ý đã gây thiệt hại cho đối thủ cạnh tranh. Như vậy dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh bắt buộc phải có yếu tố thiệt hại xảy ra và ngay cả khi đối thủ cạnh tranh không chứng minh được thiệt hại xảy ra trước tòa án thì tòa án có quyền bác đơn kiện về hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Pháp luật châu Âu đưa ra một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh sau đây:
Thâu tóm khách hàng: Đó là hành vi tác động lên khách hàng và bạn hàng, lôi kéo họ về phía mình, bỏ mặc đối thủ cạnh tranh
Ngăn cản: Trực tiếp hay gián tiếp cách ly, ngăn chặn thông tin liên lạc giữa khách hàng với đối thủ cạnh tranh
Bóc lột: Hành vi này khác với sự bóc lột trong khái niệm thông thường mà lợi dụng những ưu thế của đối thủ cạnh tranh để sử dụng với lợi ích cho mình. Ví dụ: Đưa ra những sản phẩm là hàng nhái, tương tự hàng thật của đối thủ cạnh tranh
Vi phạm pháp luật: Đó là những hành vi vi phạm pháp luật hành chính, luật dân sự, luật hình sự gây thiệt hại cho đối thủ cạnh tranh
Gây rối thị trường: Hành vi này không nhằm tới một đối thủ cạnh tranh cụ thể mà gây rối chung trên thị trường để đục nước béo cò
Trong luật lệ của các nước EU thì cạnh tranh không lành mạnh lại được định nghĩa bằng lời văn khá mĩ miều: Bất cứ hành vi cạnh tranh nào đi ngược lại các hành động trung thực, thiện chí trong công nghiệp hoặc trong thương mại đều là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Luật EU chỉ ra ba nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh:
- Các hành vi gây rối (lộn xộn)
- Các hành vi bôi nhọ, nói xấu
- Các luận điệu lừa dối
Như vậy trong luật lệ EU, luật lệ cạnh tranh chỉ quan tâm đến dấu hiệu hành vi mà không quan tâm đến dấu hiệu về mặt thiệt hại vật chất do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra, điều đó làm cho khả năng khởi kiện về một đối thủ cạnh tranh không lành mạnh là rất cao và rất nhanh.
Theo luật cạnh tranh của Việt Nam thì định nghĩa hành vi cạnh tranh lành mạnh thường rất ngắn gọn bởi đó là hành vi được phép nên không thể liệt kê vì càng liệt kê thì càng thấy thiếu trong khi hành vi cạnh tranh không lành mạnh lại có thể liệt kê được và điều đó cũng rất cần thiết để doanh nhân doanh nghiệp không vi phạm điều luật cấm.
Cạnh tranh lành mạnh là hành vi cạnh tranh phù hợp với pháp luật, tôn trọng và bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích xã hội và lợi ích của đối thủ cạnh tranh.
Cạnh tranh không lạnh mạnh là hành vi cạnh tranh vi phạm pháp luật, xâm hại lợi ích nhà nước, lợi ích xã hội và lợi ích của đối thủ cạnh tranh.
Cạnh tranh không lành mạnh bao gồm những hành vi dưới đây:
Chia cắt không gian thị trường của đối thủ cạnh tranh.
Kinh tế thị trường đòi hỏi một không gian kinh tế thống nhất, do đó mọi hành vi cấm chợ ngăn sông, bế quan tỏa cảng, chia cắt thị trường đều là đi ngược lại quy luật khách quan của kinh tế thị truờng trong đó có quy luật hàng hóa lưu thông tự do, không cho phép những vùng cát cứ trong kinh tế.
Việt Nam ta đã hội nhập kinh tế quốc tế khu vực ( AFTA) và hội nhập kinh tế quốc tế toàn cầu (WTO) do đó hàng hóa lưu thông tự do trong và ngoài biên ải non sông Việt Nam là một hiện thực không thể đảo ngược…
Đòi độc quyền trong kinh doanh
Đã có một thời kỳ dài hơn nửa thế kỷ, nền kinh tế kế hoạch tập trung đã tồn tại ở các nước XHCN mặc dù đã phát huy được một số mặt tích cực nhưng cuối cùng vẫn bất thành và được thay thế bằng nền kinh tế thị trường với những đặc điểm hoàn toàn khác biệt. Ở thời kỳ đó kinh tế quốc doanh luôn đóng vai trò chủ đạo và dẫn đến độc quyền nhà nước trên rất nhiều lĩnh vực kể cả trong lĩnh vực thương mại bao gồm nội thương và ngoại thương. Nền kinh tế thị trường hiện nay không cho phép độc quyền kể cả vai trò độc quyền của nhà nước.
Nhà nước ta ban hành Luật cạnh tranh nhưng cũng trong Luật này ban hành kèm theo những quy định chống độc quyền theo đó luật chống độc quyền chỉ cho phép nhà nước độc quyền duy nhất một lĩnh vực đó là an ninh quốc phòng, ngoài ra mọi lĩnh vực mọi ngành nghề đều có thể được tư nhân hóa, cổ phần hóa kể cả những lĩnh vực rất nhạy cảm như đường sắt, hàng không, thông tin liên lạc, vận tải viễn dương... Doanh nhân, doanh nghiệp nào đòi độc quyền cũng đã là biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh…
Chiếm lĩnh trái phép thị phần của đối thủ cạnh tranh
Hành vi giảm giá thành, thay đổi bao bì mẫu mã, chăm sóc khách hàng tốt, chiến lược PR hiệu quả dẫn đến độc chiếm thị phần thì vẫn là cạnh tranh tranh lành mạnh, được pháp luật bảo vệ nhưng nếu bằng những hành vi trái phép như xâm phạm bí mật kinh doanh, mua chuộc nhân viên tinh túy và sắc xảo của đối thủ cạnh tranh dẫn đến chiếm lĩnh thi phần thì bị coi là cạnh tranh không lành mạnh và sẽ bị xử lý tùy theo mức độ nặng nhẹ…
Dùng bạo lực trong cạnh tranh
Hành vi dùng bạo lực luôn luôn là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhất, vừa vi phạm pháp luật hình sự vừa vi phạm Luật cạnh tranh đồng thời cũng đòi hỏi xử lý nghiêm minh nhất. Có như vậy mới thúc đẩy và bảo vệ quá trình tự do hóa nền kinh tế.
Khuyến mại trái phép
Rất người vẫn cho rằng khuyến mại là một sự ưu việt chỉ có trong nền kinh tế thị trường và rất hào hứng khi được hưởng khuyến mại của doanh nghiệp trong khi pháp luật luôn luôn phải canh chừng với những hành vi khuyến mại không lành mạnh bởi làm tổn hại đến lợi nhuận của đối thủ cạnh tranh. Đến nay vẫn chưa có định nghĩa về khuyến mại và khuyến mại trái phép nhưng nhìn chung khuyến mại được cho là những dịch vụ và sản phẩm phụ không mất tiền mà khách hàng được hưởng. Ví dụ: Mua xe máy thì được hưởng khuyến mại mũ bảo hiểm. Đây là hành vi khuyến mại chính đáng.
Khuyến mại trái phép gồm rất nhiều dạng hành vi.
Đó là hành vi đổi cho khách hàng lấy hàng hóa của mình còn mình lấy hàng hóa cùng loại của đối thủ cạnh tranh hay hành vi bán hàng theo phương thức mua 1 tặng 1. Trên thực tế đã có nhiều cửa hàng khi tiến hành đổi bếp ga cũ lấy bếp ga mới còn đổi luôn cả bếp ga cũ của đối thủ cạnh tranh, đưa cho khách hàng lấy bếp ga mới của mình, qua đó đẩy bếp ga của đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị phần…
Bán phá giá
Đây là hành vi cạnh tranh phức tạp nhất, thậm chí có sự xung đột pháp luật giữa luật Việt Nam và luật thương mại quốc tế.
Trong khi Luật thương mại quốc tế định nghĩa rất hợp lý bán phá giá là bán thấp hơn giá thành, qua đó thúc đẩy nghiên cứu và áp dụng khoa học kỹ thuật, góp phần cho xây dựng và phát triển nền văn minh nhân loại thì luật Việt Nam lại cho rằng bán phá giá là bán thấp hơn giá thông thường tức là giá bán của người thứ 3 làm cơ sở đối chiếu để xác định việc bán giá thấp hơn. Trên thực tế ở Việt Nam không thể kiện tụng về hành vi bán phá giá được vì không thể tìm ra giá thông thường của người thứ 3.
Quảng cáo bằng phương pháp so sánh
Ngoại trừ luật Nhật Bản cho phép quảng cáo bằng so sánh, luật của tất cả các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đều nghiêm cấm quảng cáo bằng so sánh bởi so sánh sẽ dẫn đến sự lựa chọn của người tiêu dùng hướng đến sự bất lợi cho một đối thủ cạnh tranh nào đó trong khi người tiêu dùng luôn luôn có sự lựa chọn thông minh của mình giống như câu thành ngữ của tổ tiên ta: Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa hơn, hữu xạ tự nhiên hương, tốt gỗ hơn tốt nước sơn…
Chỉ dẫn gây nhầm lẫn
Nếu doanh nhân doanh nghiệp nào mà thiết kế logo, sử dụng mẫu mã bao bì đóng gói, đặt tên gọi hàng hóa của mình tương tự tên gọi hàng hóa của đối thủ cạnh tranh dẫn đến nhầm lẫn cho người tiêu dùng thì đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh đòi hỏi các cơ quan hành chính phải xủ lý ngay từ khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký bản quyền kiểu dáng mẫu mã, logo, slogan cũng như tên gọi cho hàng hóa…
Nói xấu, bêu diếu, gièm pha, dè bỉu để làm tổn hại uy tín hàng hóa, nhãn hiệu thương mại và những giá trị xã hội khác của đối thủ cạnh tranh
Tổ tiên ta từng nói: Hàng cá hàng thịt, đó như là một lời của tiền nhân gửi cho hậu thế về tình trạng nói xấu nhau trong quan hệ cuộc sống đời thường cũng như trong quan hệ cạnh tranh. Tuy nhiên hiện nay tình trạng này lại rất phổ biến trong đời sống kinh doanh.
Rất điển hình đó là tập đoàn ALYSAN sản xuất thực phẩm tiêu dùng đã tung ra một chiến lược quảng cáo hàm ý nói xấu đối thủ cạnh tranh với bản điều tra về an toàn thực phẩm đối với hầu hết các công ty sản xuất nước tương đều có chất gây ưng thư 3MCPD trong khi công việc này là của Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở y tế thành phố. Sau đó ALYSAN tung ra sản phẩm nước tương ChinSu không có 3MCPD đã chiếm lĩnh thị trường trong một thời gian dài làm các đối thủ cạnh tranh lâm vào tình cảnh điêu đứng, không bán được hàng cho đến khi thay đổi chất lượng sản phẩm.
Tiếp theo đó ông hoàng ALYSAN lại sử dụng chiêu này với sản phẩm mì gói Tiến Vương, một loại sản phẩm do chính tập đoàn ALYSAN sản xuất, cũng gây sốt thị trường, làm người tiêu dùng hoảng sợ buộc phải thay đổi thói quen tiêu dùng. Sản phẩm mì Tiến Vương bán chạy chưa từng có đã làm cho thị trường mì thay đổi đột ngột và làm đo ván các đối thủ cạnh tranh một cách ngoạn mục. Mì Tiến Vương được hầu hết người tiêu dùng săn lùng dẫn đến tình trạng cháy hàng khiến các đối thủ của ALYSAN buộc phải lên tiếng và nhờ pháp luật can thiệp…
3. KẾT LUẬN
Tuy ra đời muộn mằn so với Luật doanh nghiệp, Luật thương mại, Luật đầu tư..vv…và cần phải bổ khuyết nhưng Luật cạnh tranh đã phát huy được sức mạnh pháp lý xác lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh góp phần thúc đẩy tự do hóa nền kinh tế, xác lập niềm tin và bảo vệ lẽ phải, lẽ khách quan, lẽ công bằng cho các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế thị trường…
Việc giảng dạy Luật cạnh tranh cho sinh viên các chuyên ngành kinh tế cũng rất cần thiết để nâng cao kiến thức về Luật cạnh tranh, góp phần hình thành và tạo lập
ý thức cạnh tranh lành mạnh cho doanh nhân doanh nghiệp trong tương lai…
Tài liệu tham khảo:
-Luật cạnh tranh
-Luật thương mại
- Tạp chí Nhà nước và pháp luật – Viện nghiên cứu nhà nước và pháp luật tháng 3/2003.
- Tạp chí Nhà nước và pháp luật – Viện nghiên cứu nhà nước và pháp luật tháng 4/2003.
- Tạp chí Nhà nước và pháp luật – Viện nghiên cứu nhà nước và pháp luật tháng 5/2003.
- Giáo trình Luật thương mại – Trường đại học luật Hà Nội. 2007
- Luật lệ WTO
- Phương hướng xây dựng và hoàn thiện Luật cạnh tranh khi Việt Nam đã gia nhập WTO – GS, TS Nguyễn Như Phát – Viện nghiên cứu nhà nước và pháp luật – Hà Nội. 2007
Bài viết liên quan
- Lưu ý điều kiện khi học chứng chỉ kế toán trưởng - 16/09/2022 08:18
- Thực trạng hoạt động ngân hàng xanh tại Việt Nam - 15/08/2022 03:05
- ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2014 – 2020 - 05/08/2022 07:37
- Kinh nghiệm phát triển trái phiếu xanh của Trung Quốc cho Việt Nam - 27/04/2022 10:12
Các tin khác
- Quản trị công ty và một số đề xuất cho Việt Nam - 26/07/2017 09:06
- Ứng dụng excel lập bảng khấu hao tài sản cố định - 24/05/2017 03:01
- Tổng cục thuế hướng dẫn quyết toán thuế TNCN, TNDN - 29/03/2017 10:00
- Một số công cụ excel tiện ích cho kế toán - 01/03/2017 03:26
- Kế toán doanh thu của hợp đồng xây dựng - 14/10/2016 07:46