Đăng ký khóa học

Giảm 10% khi đăng ký  học trực tiếp trước ngày khai giảng. Giảm 20% khi đăng ký học online trước ngày khai giảng tại Quận 3, Tân Bình. Giảm 30% cho nhóm đăng ký 5 người trờ lên.

 

HOÀN THIỆN CHUẨN MỰC CHUNG KẾ TOÁN VIỆT NAM

HOÀN THIỆN CHUẨN MỰC CHUNG KẾ TOÁN VIỆT NAM (VAS 01) TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP KINH TẾ THẾ GIỚI

TS. Bùi Công Khánh

Hoàn thiện chuẩn mực kế toán

1. GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT

- Khuôn mẫu lý thuyết kế toán (IAS Framework) được xem như các khái niệm cơ bản nhất của báo cáo tài chính, làm cơ sở cho các chuẩn mực kế toán, bảo đảm rằng các chuẩn mực này nhất quán với nhau. Đặc điểm của khuôn mẫu lý thuyết kế toán (KMLTKT) là các vấn đề được trình bày thành một hệ thống các khái niệm và nguyên tắc quan hệ hữu cơ với nhau và mang tính lý luận cao, thể hiện một tầm nhìn bao quát với toàn bộ một hệ thống kế toán. KMLTKT chính thức được đưa ra trong các năm 1978-1985 do Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Tài chính Hoa Kỳ (FASB) dưới tên gọi là các Công bố về Lý thuyết Kế toán Tài chính (Statement on Financial Accounting Concepts- viết tắt SFAC). Đến năm 1989 KMLTKT được chuẩn hoá thành IAS Framework. Từ đây, Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế sử dụng IAS Framework làm cơ sở để điều chỉnh lại các chuẩn mực kế toán quốc tế đã ban hành trước khi IAS Framework ra đời, đồng thời làm cơ sở để ban hành các chuẩn mực kế toán mới sau này.

 

- Chuẩn mực chung kế toán Việt Nam (VAS 01): Chuẩn mực chung ra kế toán Việt Nam (VAS 01) đời nhằm mục đích quy định và hướng dẫn các nguyên tắc, yêu cầu kế toán cơ bản, các yếu tố và ghi nhận các yếu tố của báo cáo tài chính của doanh nghiệp được thống nhất theo xu hướng hội nhập quốc tế, Bộ Tài chính đã ban hành Chuẩn mực số 01 “Chuẩn mực chung” theo Quyết định 165/2002/QĐ-BTC ngày 31.12.2002. Đây là một chuẩn mực khá đặc biệt vì nó không đi vào một vấn đề kế toán cụ thể nào mà đưa ra các khái niệm, nguyên tắc và yêu cầu cơ bản của kế toán tài chính. Việc tiếp cận với chuẩn mực chung sẽ giúp người làm công tác kế toán hiểu rõ cơ sở lý luận của toàn bộ các phương pháp xử lý kế toán cụ thể trong các chuẩn mực khác, và xa hơn nữa có thể là căn cứ để tự đưa ra các phương pháp xử lý kế toán chưa được giải quyết trong một chuẩn mực kế toán cụ thể.

2. SO SÁNH VAS 01 VỚI IAS FRAMEWORK

2.1. Điểm giống nhau giữa VAS 01 và IAS Framework:

VAS 01 và IAS Framework về cơ bản có những điểm giống nhau nhất định. Điều này cũng dễ hiểu vì VAS 01 được xây dựng trên cơ sở tham luận IAS Framework và vận dụng trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đây cũng là một bước tiến trong quá trình xây dựng hệ thống kế toán Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế. Mộ số điểm giống nhau cơ bản như sau:

- Về mục đích của chuẩn mực:
 Làm cơ sở xây dựng và hoàn thiện các chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán theo khuôn mẫu thống nhất.
 Nêu ra các khái niệm cơ bản giúp cho doanh nghiệp lập và trình bày báo cáo tài chính theo các chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán đã ban hành một cách thống nhất và xử lý các vấn đề chưa được quy định cụ thể nhằm đảm bảo cho các thông tin trên báo cáo tài chính phản ánh trung thực và hợp lý.
 Giúp cho người sử dụng báo cáo tài chính, kiểm toán viên, hiểu và đánh giá về sự phù hợp của báo cáo tài chính với các chuẩn mực kế toán.

- Về nội dung chuẩn mực:
VAS 01 đưa ra “Các nguyên tắc kế toán cơ bản, Các yêu cầu cơ bản đối với kế toán“ có khái niệm tương đồng với các khái niệm trong IAS Framework. Cụ thể ở các khái niệm sau:
 Cơ sở dồn tích (Accrual Basis).
 Hoạt động liên tục (Going concern).
 Tính phù hợp (Relevance).
 Trọng yếu (Materiality).
 Nhất quán (Consistency).
 Thận trọng (Prudence).
 Trung thực (Faithful).
 Khách quan (Neutrality).
 Đầy đủ (Completeness).
 Có thể hiểu được (Understandability).
 Có thể so sánh được (Comparability).

- Các yếu tố của báo cáo tài chính:
Cả VAS 01 và IAS Framework đều phân chia báo cáo tài chính thành 5 yếu tố là: Tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, thu nhập và chi phí. Trên cơ sở đó đưa ra điều kiện ghi nhận và đánh giá từng yếu tố.


2.2. Điểm khác nhau giữa VAS-01 và IAS Framework:

Dù đã có một khuôn mẫu lý thuyết của Chuẩn mực quốc tế, nhưng thực sự IAS Framework vẫn là sản phẩm riêng của các quốc gia thuộc trường phái kế toán Anglo – Saxson như Hoa Kỳ, Canada, Australia ... Điều này cho thấy, IAS Framework xuất thân từ nhưng nước có nền kinh tế thị trường phát triển mạnh. Do đó, trong IAS Framework có nhiều khái niệm hoặc nguyên tắc không thích hợp lắm với các nước đang phát triển, nơi mà thị trường chứng khoán chưa có hoặc còn rất nhỏ bé. Việt Nam cũng nằm trong nhóm đối tượng này. Vì vậy, khi ban hành VAS 01 có những điểm khác biệt với IAS Framework như sau:


 Chuẩn mực chung của VAS là một chuẩn mực chứ không tách rời như IAS Framework:

Điều này cho thấy VAS 01 không có vai trò tương đương với một IAS Framework, mặc dù các mục đích đề ra khá tương tự với IAS Framework. Cách làm này của Việt Nam tương tự như Trung Quốc, sẽ giải quyết thuận lợi hơn mối quan hệ giữa chuẩn mực chung với Luật Kế toán.

 Người sử dụng và mục đích của báo cáo tài chính:
- Người sử dụng: IAS Framework xác định người sử dụng báo cáo tài chính là các đối tác hiện tại và tương lai của doanh nghiệp bao gồm các nhà đầu tư, nhân viên, chủ nợ, nhà cung cấp, khách hàng, nhà nước và công chúng. Còn đối với VAS 01 thì không quy định rõ.
- Mục đích của báo cáo tài chính: IAS Framework và VAS 01 thì tương tự nhau, cho rằng mục đích của báo cáo tài chính là cung cấp thông tin hữu ích cho người sử dụng để đưa ra các quyết định kinh tế.

 Nguyên tắc “Nội dung quan trọng hơn hình thức”
IAS Framework qui định phải trình bày chúng đúng với bản chất chứ không phải chỉ căn cứ vào hình thức pháp lý để phản ảnh trung thực các nghiệp vụ và sự kiện. Còn VAS 01 Không đưa ra nguyên tắc “Nội dung quan trọng hơn hình thức”.

 Sử dụng các loại giá cho việc ghi nhận tài sản:
- IAS Framework cho phép các yếu tố của báo cáo tài chính được sử dụng các loại giá sau để đánh giá:
 Giá gốc (Historical cost): Chi phí bỏ ra để có tài sản tại thời điểm nhận tài sản.
 Giá hiện hành (Current cost): Chi phí bỏ ra để có tài sản tại thời điểm hiện tại.
 Giá có thể thực hiện (Realisable value): Số tiền có thể thu được khi bán tài sản tại thời điểm hiện tại.
 Hiện giá (Present value): Giá trị qui về thời điểm hiện tại của những chuỗi tiền phải trả trong tương lai.
Trong đó giá gốc là giá được chấp nhận phổ biến hoặc được dùng kết hợp với các loại giá khác.
- VAS 01 chỉ sử dụng nguyên tắc giá gốc.

 Vốn và bảo toàn vốn :
IAS Framework có đề cập đến việc bảo toàn vốn ở các gốc độ: Bảo toàn về mặt tài chính và Bảo toàn vốn về mặt vật chất để đưa ra các biện pháp xử lý kế toán khác nhau về các biến động giá cả của tài sản và nợ phải trả. Còn VAS 01 thì không đề cập đến việc bảo toàn vốn.

3. ĐỀ XUẤT QUAN ĐIỂM HOÀN THIỆN

Qua các vấn đề nhận xét ở trên cho thấy VAS 01 có một số điểm khác biệt nhất định so với IAS Framework. Mặc dù không giải quyết một vấn đề kế toán cụ thể nhưng VAS 01 vẫn là một chuẩn mực quan trọng của những người làm việc trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán. Vì vậy, VAS 01 là cơ sở xây dựng và hoàn thiện các chế độ và chuẩn mực kế toán cụ thể theo khuôn mẫu thống nhất. Chính vì lẽ đó, nó rất tổng quát và mang tính trừu tượng, đòi hỏi người vân dụng phải có kiến thức thật vững vàng về lĩnh vực kế toán, nếu không sẽ rất dễ nhầm lẫn quan điểm. Trong lĩnh vực này, rõ ràng VAS 01 là cơ sở giúp cho Bộ tài chính và Ban soạn thảo chuẩn mực kế toán Việt Nam trong quá trình soạn thảo và hoàn thiện các chuẩn mực kế toán Việt Nam cụ thể. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đối với người kế toán, VAS 01 cung cấp các khái niệm cơ bản nhất để hiểu rõ và vận dụng các chuẩn mực kế toán Việt Nam. Thí dụ để hiểu được chuẩn mực về tài sản vô hình, người kế toán khi định nghĩa về tài sản và điều kiện ghi nhận là cơ sở cho việc xác định các nguồn lực kinh tế nào đủ tiêu chuẩn để được ghi nhận là tài sản vô hình cần tham chiếu về chuẩn mực chung để giải thích được chuẩn mực này một cách đầy đủ.

Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, nền kinh tế thị trường đang trong giai đoạn phát triển, các chuẩn mực kế toán cụ thể đối với từng loại nghiệp vụ hay quan hệ kinh tế không bao giờ bao trùm lên mọi nghiệp vụ và hoạt động. Khi đó Chuẩn mực chung sẽ giúp đơn vị giải quyết vấn đề. Dựa trên các khái niệm và nguyên tắc kế toán cơ bản của Chuẩn mực chung, đơn vị có thể tìm ra cách thức ghi chép kế toán và lập báo cáo tài chính để đảm bảo tính trung thực và hợp lý. Vì vậy, trong thời gian tới VAS 01 cần được sữa chữa và bổ sung một số vấn đề sau:

 Nguyên tắc giá gốc được quy định trong VAS 01 làm cho báo cáo tài chính tài chính của doanh nghiệp Việt Nam mang tính bảo thủ cao, không phản ánh được một cách chính xác về giá trị hiện tại của các tài sản khi đựơc đánh giá lại. Nên chăng, hệ thống kế toán Việt Nam cần phải xây dựng một hệ thống cơ sở lý luận về “ nguyên tắc giá trị hợp lý” để vận dụng cùng với “nguyên tắc giá gốc” trong một số nghiệp vụ cụ thể để báo cáo tài chính của doanh nghiệp phản ánh giá trị tài sản một cách xác thực nhất.

 Nền thị trường chứng khoán ở Việt Nam đang từng bước hoàn thiện và hội nhập Quốc tế, cùng với sự phát triển về trình độ của người làm kế toán cũng như các cán bộ quản lý các cấp, nên chăng VAS 01 cần được bổ sung nguyên tắc“Nội dung quan trọng hơn hình thức” để hoàn thiện hơn trong công tác kế toán. Điều này, xét thấy cũng rất hữu ích và thuận lợi hơn cho người làm kế toán, vì mọi nghiệp vụ kinh tế phát sinh đều phải suy xét kỹ hơn về nội dung, bản chất của nghiệp vụ, nói cách khác là phải biết rõ cái gốc của nó từ đâu mà ra, chứ không có căn cứ vào hình thức của nghiệp vụ là chỉ dựa trên thông tin trên bề mặt của chứng từ. Thực hiện được điều này, sẽ giúp cho người làm kế toán phản ánh đúng nội dung của nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong tài khoản đã được qui định, tránh được chủ nghĩa hình thức trong kế toán.

Hiện nay, tình trạng rất phổ biến là có xu hướng chú trọng hình thức trong cách quản lý và ghi chép kế toán. Người làm kế toán thường chỉ quan tâm đến những thông tin trên bề mặt chứng từ (cụ thể là hoá đơn tài chính) để ghi chép, nên có những nghiệp vụ kinh tế khác nhau nhưng thể hiện thông tin trên bề mặt chứng từ giống nhau thì việc phản ánh giống nhau. Cũng từ đặc điểm này, mà phát sinh một số hiện tượng giả mạo nghiệp vụ hay nghiệp vụ không có thực từ các bộ phận khác (sự việc không diễn ra nhưng vẫn lập chứng từ) nhưng kế toán vẫn phải ghi chép, phản ánh trên sổ sách kế toán. Nếu như, đề cập nguyên tắc “Nội dung quan trọng hơn hình thức” thì người làm kế toán mới có cơ hội tham gia, xem xét tận tường các nghiệp vụ kinh tế phát sinh có liên quan nhằm nắm bắt được bản chất của sự việc và giúp cho việc lập chứng từ phản ánh đúng với bản chất của sự việc đã diễn ra (hình thức phải phản ánh đúng với nội dung). Có như vậy, thông tin kế toán phản ánh trên số sách kế toán sẽ chính xác hơn cho từng nội dung cụ thể.

 Nên chăng VAS 01 cần được bổ sung khái niệm “bảo toàn vốn”. Trong đó, nêu ra các phương pháp và các trường hợp nào sẽ được áp dụng việc bảo toàn vốn khi cần thiết. Có như thế Chuẩn mực chung của Việt Nam mới bao quát được hết các tình huống sẽ xãy ra trong tương lai. Khi đó doanh nghiệp có thể tự chủ xử lý tình huống xãy ra đối với đơn vị mình, không phải trong chờ vào các văn bản hướng dẫn của nhà nước, không gây lúng túng cho doanh nghiệp. Trên giác độ quan hệ quốc tế, thì hệ thống kế toán Việt Nam cũng chứng tỏ được mức độ hội nhập quốc tế và tầm bao quát chung của hệ thống kế toán.

Tóm lại, VAS 01 của Việt Nam ra đời cũng là bước đột phá trong việc xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán ở Việt Nam. Nó đánh dấu sự hội nhập quốc tế của hệ thống kế toán Việt Nam và làm cơ sở cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kế toán Việt Nam thời gian tới. Ngoài ra, nó còn là công cụ đắt lực để người làm công tác kế toán, kiểm toán vận dụng xử lý các tình huống mà các chuẩn mực kế toán cụ thể không qui định hay chưa qui định. Đến thời điểm hiện nay, thì chuẩn mực chung của Việt Nam cũng phản ánh được hầu hết các sự kiện xãy trong nền kinh tế nước nhà. Nhưng trong tương lai, thì e rằng chuẩn mực chung VAS 01 sẽ không phản ánh hết các tình huống mới theo xu thế hội nhập. Vì thế, các vấn đề sửa đổi, bổ sung đã nêu trên cần được xem xét và vận dụng để hoàn thiện hơn chuẩn mực chung của kế toán Việt Nam trong tương lai và cho thế giới thấy được năng lực và qui mô của hệ thống kế toán Việt Nam. Lúc đó, việc ghi nhận các thông tin trên báo cáo tài chính theo hệ thống kế toán Việt Nam sẽ phù hợp và đáng tin cậy hơn đối với các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài.

CÁC CƠ SỞ THUỘC TRUNG TÂM

- Q3: Tư vấn học online, SĐT: (028) 6659 2738
- TB: 544 Cách Mạng Tháng 8 , phường 4, quận Tân Bình
- TĐ: 281A Võ Văn Ngân, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức
- BH: 02 Lê Quý Đôn, phường Tân Hiệp, Biên Hòa, Đồng Nai (Đối diện ĐH Đồng Nai)

LIÊN HỆ

  • Hotline: 0909 493 140

KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI

Kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội