Kinh nghiệm phát triển trái phiếu xanh của Trung Quốc cho Việt Nam
- Chi tiết
- Chuyên mục: Tổng hợp
KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN TRÁI PHIẾU XANH CỦA TRUNG QUỐC CHO VIỆT NAM
ThS. Nguyễn Thị Minh Châu
Tóm tắt
Tài chính xanh, trong đó có trái phiếu xanh đang dần đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nguồn vốn phục vụ cho các quốc gia tăng trưởng bền vững. Được ra đời từ năm 2008, trái phiếu xanh đang dần trở thành một công cụ hữu hiệu của các quốc gia trong việc thu hút vốn cho những dự án gắn liền với môi trường. Việt Nam cũng đang xem xét việc phát hành trái phiếu xanh ra thị trường nên những kinh nghiệm của các quốc gia đi trước là bài học kinh nghiệm quý giá cho Việt Nam trong việc hình thành và phát triển trái phiếu xanh. Trung Quốc, một quốc gia láng giềng lâu đời của Việt Nam, mới bắt đầu gia nhập thị trường trái phiếu xanh vào năm 2015 nhưng đến nay đã trở thành quốc gia dẫn đầu trên thị trường này. Vì vậy, bài viết tập trung nghiên cứu về kinh nghiệm phát triển trái phiếu xanh tại Trung Quốc làm cơ sở đưa ra một số đề xuất nhằm hình thành và phát triển trái phiếu xanh tại Việt Nam trong thời gian tới.
Từ khóa: trái phiếu xanh
Đặt vấn đề
Phát triển bền vững với tăng trưởng xanh đang trở thành xu hướng phát triển chung của các quốc gia trên thế giới bởi tăng trưởng xanh có thể đảm bảo tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường và xã hội. Xuất phát từ nhu cầu cần nguồn vốn rất lớn nhằm thực hiện tăng trưởng xanh, một công cụ huy động vốn hữu hiệu, gắn liền với các dự án kinh tế xanh đã được ra đời với tên gọi trái phiếu xanh. Trái phiếu xanh đang ngày càng được triển khai rộng rãi trên khắp thế giới, cho thấy, xu hướng phát triển mạnh mẽ của loại trái phiếu này trong tương lai. Trong định hướng phát triển 2012 – 2020 và xa hơn là 2030, bắt đầu chú trọng đến tăng trưởng xanh và để đảm bảo nguồn vốn thực hiện, Chính phủ Việt Nam cũng đã có định hướng trong việc phát hành trái phiếu xanh. Tuy nhiên, cho đến nay, việc phát hành trái phiếu xanh mới chỉ trong giai đoạn nghiên cứu thực hiện. Tại Việt Nam, các nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế trong việc phát triển trái phiếu xanh còn chưa nhiều. Do đó, với phương pháp phân tích tổng hợp, thống kê mô tả, bài viết được thực hiện nhằm hệ thống hóa lý luận về trái phiếu xanh, đồng thời, tìm hiểu kinh nghiệm phát triển trái phiếu xanh tại Trung Quốc – một quốc gia mới tham gia thị trường trái phiếu xanh trong 02 năm qua nhưng đã trở thành quốc gia dẫn đầu trong việc phát triển trái phiếu xanh trên thế giới. Trên cơ sở đó, bài viết rút ra một số kiến nghị nhằm đưa trái phiếu xanh trở thành một công cụ trên thị trường tài chính tại Việt Nam trong thời gian tới.
I. Cơ sở lý luận về trái phiếu xanh
Khái niệm trái phiếu xanh được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong “Khung chiến lược phát triển và biến đổi khí hậu” năm 2008 như là một giải pháp giúp các nước trên thế giới huy động vốn cho các chiến lược giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển trên phạm vi toàn cầu (Nông Minh Trang, 2015). Bộ nguyên tắc phát hành và sử dụng nguồn thu từ trái phiếu xanh (Green Bond Principles – GBP) năm 2015 định nghĩa trái phiếu xanh là bất kỳ một loại trái phiếu nào mà số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu được sử dụng cho việc tài trợ hoặc tái tài trợ một phần hoặc toàn bộ dự án xanh mới hoặc đang hoạt động đủ điều kiện cấp vốn và tuân thủ 4 nguyên tắc của bộ nguyên tắc GBP. Những dự án tiềm năng có thể được tài trợ bởi nguồn huy động từ trái phiếu xanh, theo bộ nguyên tắc GBP, bao gồm nhưng không giới hạn ở các lĩnh vực: năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, xử lý rác thải, bảo tồn động vật, giao thông thân thiện môi trường, quản lý bền vững các nguồn tài nguyên như đất, nước và các dự án liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu. Nói cách khác, trái phiếu xanh là một loại chứng khoán nợ giống như các loại trái phiếu khác, có lãi suất hoặc không lãi suất, được xếp hạng tín nhiệm, có kỳ hạn và lãi suất, nhằm thu hút vốn cho các dự án có lợi ích về môi trường.
Đặc điểm phân biệt giữa giữa trái phiếu xanh và các loại trái phiếu thông thường chính là mục đích nguồn vốn huy động từ trái phiếu xanh được dùng để tài trợ cho những dự án đặc biệt liên quan đến môi trường, bao gồm các dự án vì môi trường và các dự án có tính đến lợi ích môi trường. Ngoài ra, do xuất phát từ mục đích sử dụng vốn nên trái phiếu xanh còn có một số các điều khoản đặc biệt về cơ chế trả nợ, truy đòi/miễn truy đòi tổ chức phát hành.
Để đảm bảo sự chuẩn hóa - một trong ba yếu tố quyết định một thị trường trái phiếu hoạt động, bộ nguyên tắc GBP đã đưa ra 04 nguyên tắc về trái phiếu xanh mà các tổ chức phát hành cần phải tuân thủ, bao gồm: (1) Xác định tiêu chuẩn lựa chọn dự án xanh; (2) Thiết lập quy trình đánh giá và lựa chọn dự án; (3) Quản lý nguồn vốn huy động từ trái phiếu xanh; (4) Báo cáo về việc sử dụng vốn. Trong đó, nguyên tắc đầu tiên quy định các đơn vị phát hành phải xác định rõ loại dự án xanh nào sẽ được tài trợ. Tiêu chí lựa chọn dự án thường được đưa ra bởi các chuyên gia độc lập bên ngoài nhằm đảm bảo với các nhà đầu tư về việc những dự án này sẽ tuân thủ các yếu tố về kỹ thuật. Sau khi xác định được tiêu chí lựa chọn dự án, thiết lập quá trình lựa chọn dự án sẽ được thực hiện. Những dự án được tài trợ bởi nguồn vốn từ trái phiếu xanh sẽ phải được đánh giá nghiêm ngặt với quy trình chặt chẽ thông qua quá trình sàng lọc, xác định, quản lý những tác động tiềm ẩn của dự án đến môi trường, xã hội. Để đảm bảo cho sự phát triển của trái phiếu xanh, việc quản lý nguồn vốn thu được từ trái phiếu xanh cần phải được quản lý chặt chẽ thông qua việc yêu cầu các tổ chức phát hành ghi chép rõ ràng, chi tiết việc quản lý các nguồn thu từ trái phiếu. Những thông tin này cần phải được công khai để đảm bảo cho quá trình giám sát cũng như tăng cơ sở tin tưởng cho các nhà đầu tư trên thị trường. Các tổ chức phát hành cần báo cáo về việc sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu xanh là nguyên tắc thứ 4. Thông thường, các tổ chức phát hành phải tiến hành báo cáo hàng năm, cung cấp được nguồn tài trợ đã được sử dụng như thế nào và những tác động môi trường bền vững mà dự án đã thực hiện ra sao.
Việc phát triển trái phiếu xanh có lợi cho các tổ chức phát hành trái phiếu, cho các nhà đầu tư và cho cả xã hội. Đối với chủ thể phát hành, việc phát hành trái phiếu xanh trên thị trường chứng khoán sẽ giúp đa dạng hóa nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư quan tâm đến các yếu tố môi trường, xã hội, quản trị trong việc phân tích đầu tư của họ. Đối với nhà đầu tư, trái phiếu xanh sẽ là một tài sản tài chính tốt để đầu tư giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư, phân tán rủi ro và tìm kiếm nguồn lợi phù hợp. Trong xu hướng các quốc gia đang tập trung phát triển bền vững, thực hiện xanh hóa nền kinh tế trong thời gian tới, thị trường trái phiếu xanh sẽ không ngừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Do đó, đây sẽ là loại tài sản được đánh giá cao, ổn định và có tính thanh khoản tốt với thời gian đáo hạn dài. Đối với xã hội, trái phiếu xanh còn là công cụ hữu hiệu để nâng cao nhận thức của các nhà đầu tư về những dự án giải quyết các vấn đề về môi trường như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường... Đồng thời, việc phát hành trái phiếu xanh sẽ giúp tạo điều kiện thu hút nguồn vốn lớn trong xã hội nhằm hỗ trợ thực hiện những dự án thân thiện với môi trường và đáp ứng được các mục tiêu trách nhiệm xã hội, phục vụ cho việc phát triển bền vững trong tương lai. Sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường trái phiếu xanh toàn cầu trong giai đoạn 2012 – 2016 đã tăng từ 3 tỷ lên 80 tỷ đã chứng minh cho những lợi ích mà trái phiếu xanh mang lại.
II. Kinh nghiệm phát triển trái phiếu xanh từ Trung Quốc
Sau hơn 30 năm phát triển nhanh chóng, Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về chính trị, an ninh, kinh tế và xã hội. Điều này buộc Trung Quốc phải định hướng lại chiến lược phát triển theo hướng bền vững và thực hiện xanh hóa nền kinh tế. Cũng như tất cả các quốc gia khác trên thế giới, thực hiện tăng trưởng xanh hay xanh hóa nền kinh tế đòi hỏi một nguồn vốn lớn, do đó, để tập trung nguồn lực thực hiện mục tiêu, Trung Quốc đã xây dựng và đẩy mạnh phát triển hệ thống tài chính xanh, trong đó đặc biệt chú trọng đến phát triển trái phiếu xanh.
Sự kiện đánh dấu Trung Quốc lần đầu tiên chính thức gia nhập thị trường trái phiếu xanh toàn cầu là việc Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc phát hành gần 1 tỷ USD trái phiếu xanh tại thị trường London nhằm huy động vốn cho các dự án thân thiện môi trường vào tháng 10 năm 2015. Thị trường trái phiếu xanh nội địa được thiết lập vào tháng 12 năm 2015 với lượng trái phiếu xanh đầu tiên được phát hành trên thị trường liên ngân hàng, nhằm giúp các tổ chức tín dụng tăng thêm nguồn vốn để tài trợ cho các dự án xanh, đồng thời cũng thiết lập thị trường tạo cơ sở cho việc phát triển thị trường trái phiếu xanh trong những năm tiếp theo. Kể từ 02 sự kiện mang tính chất thăm dò và định hình thị trường, trái phiếu xanh Trung Quốc đã có bước phát triển mạnh mẽ trong năm 2016. Giá trị phát hành trái phiếu xanh của Trung Quốc tăng lên đến 36.2 tỷ USD, chiếm đến 1/3 giá trị phát hành trái phiếu xanh toàn cầu, đưa Trung Quốc vươn lên thành quốc gia dẫn đầu ở thị trường này.
Hình 01: Thực trạng phát hành trái phiếu xanh của Trung Quốc
Nguồn: Báo cáo thị trường trái phiếu xanh Trung Quốc 2016
Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy muốn trái phiếu xanh phát triển mạnh mẽ như vậy cần phải đảm bảo được các nội dung sau:
2.1 Nâng cao nhận thức về môi trường trong toàn xã hội
Bước chuẩn bị đầu tiên cho việc phát triển nền kinh tế xanh nói chung, và phát triển trái phiếu xanh nói riêng, Chính phủ Trung Quốc đã có những biện pháp tích cực để nâng cao nhận thức của nhân dân về môi trường. Trung Quốc đưa yếu tố môi trường trở thành một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu thể hiện ở việc thành lập tòa án môi trường quốc gia, ban hành các quy định về môi trường, có những chế tài đối với các công ty vi phạm về môi trường… Điều này tạo động lực giúp các chủ thể của nền kinh tế quan tâm hơn đến yếu tố “xanh” trong việc lựa chọn các dự án đầu tư. Nhà phát hành cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc thu hút nhà đầu tư quan tâm đến trái phiếu xanh. Các nhà đầu tư sau khi nhận thức được tầm quan trọng của yếu tố môi trường trong dự án cũng sẽ xem xét trái phiếu xanh như là một sự lựa chọn phù hợp để đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình.
2.2 Xây dựng cơ sở hành lang pháp lý
Mặc dù khái niệm tài chính xanh đã xuất hiện trong Luật Bảo vệ môi trường của Trung Quốc từ cuối thể kỷ 90 của thế kỷ XX nhưng phải đến năm 2015, Trung Quốc mới chính thức ban hành các văn bản liên quan đến trái phiếu xanh nói riêng. Vào ngày 22/12/2015, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) đã ban hành Chỉ thị về Trái phiếu tài chính xanh, quy định các nội dung: (1) khái niệm về trái phiếu xanh, (2) danh mục các ngành mà trái phiếu xanh tài trợ, (3) những chủ thể được phép phát hành trái phiếu xanh, (4) thủ tục để xin phát hành trái phiếu xanh, (5) công tác phát hành cũng như các nguyên tắc trong quá trình sử dụng và quản lý nguồn thu từ phát hành trái phiếu xanh, (6) quy định khuyến khích các cơ quan ban ngành có liên quan có biện pháp hỗ trợ sự phát triển của trái phiếu xanh. Ngoài ra, PBoC còn ban hành Danh mục các dự án được tài trợ bởi trái phiếu xanh – đưa ra những tiêu chuẩn cho các dự án, các ngành và lĩnh vực để xem xét tài trợ bằng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu xanh. Các tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên việc tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế kết hợp với chính sách môi trường của Trung Quốc. Đây là hướng dẫn cụ thể đầu tiên về trái phiếu xanh tại Trung Quốc, sau đó, hàng loạt các văn bản mang tính định hướng, hướng dẫn cho việc phát triển trái phiếu xanh được ban hành. Giữa tháng 11 năm 2016, Ủy ban tái thiết và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) ban hành hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh chủ yếu dành cho khu vực doanh nghiệp nhà nước, quy định rõ những dự án nào được xem là dự án xanh, và nêu ra các yêu cầu cho việc phát hành trái phiếu xanh cũng như các chính sách có liên quan. Vào khoảng cuối tháng 3 năm 2016, Trung tâm chứng khoán Thượng Hải và Trung tâm chứng khoán Thâm Quyến phát hành Thông báo về Chương trình thí điểm trái phiếu xanh, tạo điều kiện cho việc niêm yết trái phiếu xanh trên thị trường tài chính bên cạnh thị trường trái phiếu liên ngân hàng. Đến cuối tháng 08 năm 2016, Trung Quốc tiếp tục ban hành Hướng dẫn xây dựng hệ thống tài chính xanh, trong đó, cụ thể hóa các hướng dẫn nhằm phát huy vai trò của thị trường chứng khoán đối với đầu tư xanh và thống nhất các tiêu chuẩn về trái phiếu xanh nội địa.
2.3 Ban hành những chính sách ưu đãi
Các cơ quan có liên quan gồm PBoC và NDRC ban hành nhiều chính sách ưu đãi để khuyến khích thị trường trái phiếu xanh phát triển. Trong đó, PBoC đã chấp thuận cho các định chế tài chính sử dụng trái phiếu xanh như là một tài sản bảo đảm để được hưởng các khoản vay lãi suất thấp từ ngân hàng trung ương. Quy định này đã tạo động lực thúc đẩy các ngân hàng phát hành trái phiếu xanh trong quá trình huy động vốn. Đây là một trong những lý do làm cho các ngân hàng thương mại chiếm tỷ lệ lớn nhất, lên đến 82% trong việc phát hành trái phiếu xanh tại Trung Quốc. Hướng dẫn do NDRC ban hành đã có những quy định ưu đãi trong việc phát hành trái phiếu xanh đối với các doanh nghiệp như đơn giản hóa quá trình phát hành và chấp thuận cho các công ty. Điều này được cụ thể thông qua việc cho phép các công ty được phát hành riêng lẻ và tổng hợp đối với một số loại dự án nhất định và trong một số trường hợp nhất định. Điều chỉnh một số điều kiện phát hành trái phiếu xanh đối với doanh nghiệp, ví dụ như cho phép giá trị phát hành trái phiếu chiếm đến 80% tổng mức đầu tư của dự án. Đồng thời cho phép các tổ chức phát hành sử dụng trái phiếu xanh để cải thiện cấu trúc vốn, tức là tổ chức phát hành được chấp nhận để sử dụng ít hơn 50% nguồn tiền thu về từ trái phiếu để trả các khoản nợ ngân hàng và đầu tư vào vốn hoạt động. Ngoài ra, những tổ chức có mức độ xếp hạng tín nhiệm loại AA+ và có tình hình kinh doanh tốt có thể phát hành trái phiếu xanh để thay thế cho các khoản nợ có chi phí cao cho các dự án xanh đang được thực hiện.
Hình 02: Cơ cấu về chủ thể phát hành trái phiếu xanh tại Trung Quốc
Nguồn: Báo cáo Thị trường trái phiếu xanh Trung Quốc 2016
2.4 Phát triển trái phiếu xanh cả ở thị trường trong nước và nước ngoài, trong đó, tập trung phát triển thị trường trái phiếu xanh trong nước
Hình 03: Cơ cấu phát hành trái phiếu xanh Trung Quốc ở thị trường trong nước và quốc tế
Nguồn: Báo cáo Thị trường trái phiếu xanh Trung Quốc 2016
Việc được phép giao dịch trên thị trường chứng khoán quốc tế cũng như thị trường tài chính trong nước đã tạo ra thị trường rộng lớn cho trái phiếu xanh Trung Quốc phát triển. Trong năm 2016, 27% lượng trái phiếu xanh của Trung được được phát hành ở nước ngoài với 03 loại tiền tệ là USD, RMB và EUR. Trong số những trái phiếu xanh phát hành, có đến 17% trái phiếu xanh đạt được tiêu chuẩn trái phiếu xanh quốc tế, được giao dịch tại thị trường London và thị trường Singapore. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu xanh trong nước mới chính là nơi cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của trái phiếu xanh Trung Quốc khi tỷ lệ phát hành nội địa lên chiếm đến 72% tổng lượng trái phiếu xanh. Trong đó, 74% trái phiếu xanh được phát hành trên thị trường liên ngân hàng và 17% giao dịch trên thị trường chứng khoán Thượng Hải. Như vậy, việc phát triển thị trường trái phiếu xanh trong nước, với chủ yếu là trên thị trường liên ngân hàng đã tạo thuận lợi cho việc giao dịch trái phiếu xanh, thúc đẩy trái phiếu xanh ngày càng phát triển.
Tóm lại, sự chuẩn bị kỹ càng về mặt pháp lý, kỹ thuật cũng như những bước đi có tính hệ thống, đồng bộ đã góp phần giúp trái phiếu xanh của Trung Quốc đạt được những kết quả khả quan và trong những năm tới đây vẫn là một trong những kênh thu hút vốn quan trọng giúp Trung Quốc đạt được kế hoạch xanh hóa nền kinh tế của mình trong tương lai.
III. Một số kiến nghị, đề xuất nhằm phát triển trái phiếu xanh tại Việt Nam
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu khi nó tác động đến mọi mặt của kinh tế, xã hội và môi trường. Trong nghiên cứu toàn diện về Việt Nam năm 2013, DARA International đã cảnh báo biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam. Theo ước tính của tổ chức này, thiệt hại về kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra trong năm 2010 là 5% GDP và có thể tăng lên đến 11% GDP vào năm 2030. Đứng trước nguy cơ đó, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu thực hiện tăng trưởng xanh thông qua việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, được ban hành tại Quyết định 1393/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 03/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020. Vào tháng 10 năm 2015, Quyết định 2183/QĐ-BTC, được Bộ Tài chính phê duyệt, đưa ra Kế hoạch hành động của ngành tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Quyết định này chỉ rõ việc phải hoàn thiện khung chính sách về thị trường vốn xanh, xây dựng một sở giao dịch chứng khoán bền vững với việc phát hành trái phiếu cho các dự án, chương trình và lĩnh vực xanh, trong đó có đề cập đến trái phiếu xanh nhằm tìm kiếm nguồn vốn tài trợ cho các dự án xanh. Dựa trên quá trình phân tích kinh nghiệm phát triển trái phiếu xanh của Trung Quốc, bài viết đưa ra một số kiến nghị nhằm thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển của trái phiếu xanh tại Việt Nam như sau:
Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam cần nâng cao nhận thức của người dân, tạo ra những cải cách trong nền kinh tế và hệ thống tài chính nhằm tạo tiền đề cho việc hình thành và phát triển trái phiếu xanh. Đây cũng chính là yếu tố tiền đề quan trọng giúp Trung Quốc thực hiện thành công việc phát triển trái phiếu xanh. Những chính sách liên quan đến tăng trưởng xanh nói chung, hệ thống tài chính xanh tại Việt Nam nói riêng đã và đang là những định hướng tốt cho các chủ thể trong nền kinh tế chú trọng hơn đến yếu tố môi trường trong các hoạt động của mình tạo ra các chủ thể cung – cầu trái phiếu xanh trên thị trường, cụ thể là nhà đầu tư và các đơn vị phát hành. Trong đó, nhà đầu tư sẽ đưa yếu tố môi trường trở thành nội dung phân tích khi đưa ra quyết định đầu tư, đồng thời, các định chế tài chính, các doanh nghiệp, hiện vẫn chưa chú trọng đến tăng trưởng bền vững, sẽ quan tâm hơn đến yếu tố môi trường và xem xét trái phiếu xanh như là một công cụ để thu hút các nguồn vốn tài trợ cho các dự án xanh. Những yếu tố cấu thành cung cầu trên thị trường được hình thành sẽ góp phần cho trái phiếu xanh ra đời và phát triển tại Việt Nam.
Thứ hai, phải có cơ sở hành lang pháp lý phục vụ cho việc phát triển trái phiếu xanh – ban hành các chỉ thị, văn bản hướng dẫn liên quan đến trái phiếu xanh. Mặc dù đã đề cập đến việc phát hành trái phiếu xanh trong một số văn bản ban hành nhưng cho đến nay vẫn chưa có một khuôn khổ pháp lý cụ thể quy định và hướng dẫn cho việc phát hành và sử dụng trái phiếu xanh. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam cần ban hành văn bản cụ thể liên quan đến trái phiếu xanh, trong đó, cần quy định rõ các tiêu chuẩn của riêng mình trong việc xác định trái phiếu xanh, dự án xanh cũng như các nguyên tắc trong việc phát hành và quản lý nguồn vốn hình thành từ trái phiếu xanh. Những tiêu chuẩn này cần được xây dựng theo GBP 2015 nhưng cũng phải phù hợp với đặc điểm riêng của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế, chính trị, môi trường và xã hội. Điều này sẽ giúp cho trái phiếu xanh phù hợp với thị trường trong nước, sớm nhanh chóng trở thành một công cụ tài chính được quan tâm trên thị trường. Các nguyên tắc liên quan đến trái phiếu xanh cũng cần được cụ thể hóa, chi tiết hóa để chủ thể phát hành trái phiếu xanh tuân thủ. Bên cạnh đó, minh bạch thông tin liên quan đến việc phát hành và sử dụng nguồn quỹ từ trái phiếu xanh cần được quy định chặt chẽ làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát của các chủ thể quan tâm. Nghiên cứu và xây dựng bộ chỉ số nhằm đánh giá các công ty phát triển bền vững cũng cần được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhằm thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư cho trái phiếu xanh.
Thứ ba, Chính phủ cần liên kết với các tổ chức nước ngoài như Ngân hàng Thế giới, UNEP, GIZ… để được tư vấn và hướng dẫn trong việc thực hiện phát hành và phát triển trái phiếu xanh trên thị trường. Kiến thức và kinh nghiệm của các tổ chức này trong việc phát triển xanh những năm qua sẽ rất hữu ích cho Việt Nam trong tiến trình xây dựng và phát triển loại tài sản tài chính này. Đội ngũ chuyên gia hàng đầu về phát triển kinh tế và môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu và tư vấn chính sách cho Chính phủ trong việc phát triển hệ thống tài chính xanh cũng như trái phiếu xanh.
Thứ tư, Việt Nam cần có những chính sách ưu đãi để khuyến khích các chủ thể phát hành trái phiếu xanh và thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến loại tài sản này. Sau khi đưa ra được các nguyên tắc liên quan đến trái phiếu xanh, Nhà nước cần đưa ra những ưu đãi về thuế, phí hoặc những thuận lợi khác cho các đơn vị phát hành cũng như những nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đề án về trái phiếu xanh, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã đưa ra đề xuất đối với Ngân hàng Nhà nước chấp thuận sử dụng trái phiếu xanh trong thị trường mở với ưu đãi là tỷ lệ chiết khấu ở mức cao hơn so với các loại trái phiếu cùng loại. Ngoài ra, để tăng thêm tính thanh khoản cho trái phiếu xanh, Ngân hàng Nhà nước có thể xây dựng cơ chế chấp nhận sử dụng một số loại trái phiếu xanh để làm dự trữ bắt buộc…Điều này sẽ tạo ra tác động tốt đến việc khuyến khích các ngân hàng sở hữu trái phiếu xanh trong danh mục tài sản của mình, góp phần thúc đẩy thị trường phát triển. Tóm lại, muốn phát triển trái phiếu xanh, Chính phủ và các cơ quan có liên quan cần ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các chủ thể tham gia thị trường vì đây là loại tài sản tài chính còn khá mới mẻ ở thị trường Việt Nam.
Thứ năm, hoàn thiện thị trường trái phiếu trong nước cũng như xem xét việc phát hành trái phiếu ra quốc tế. Thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường mua bán nợ ở Việt Nam chưa thực sự phát triển mạnh. Do đó, muốn phát triển trái phiếu xanh trong thời gian tới, Việt Nam cần phải có những biện pháp giúp phát triển thị trường mua bán nợ trong thời gian tới, như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường trái phiếu xanh. Mặt khác, sau những đợt phát hành trái phiếu ở nước ngoài thành công, Chính phủ nước ta cũng cần có định hướng cho việc phát hành trái phiếu xanh ra thị trường quốc tế nhằm thu được nguồn ngoại tệ lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế xanh trong nước.
Nói tóm lại, trái phiếu xanh là một trong những tài sản tài chính xanh còn khá mới mẻ ở Việt Nam khi mới đang ở giai đoạn đề án. Để có thể hình thành và phát triển trái phiếu xanh trong tương lai, từ kinh nghiệm với những thành công nhanh chóng của Trung Quốc, chúng ta cần phải thực hiện những cải cách về kinh tế, tài chính để nâng cao ý thức trách nhiệm về môi trường trong xã hội, đồng thời, xây dựng hành lang pháp lý về trái phiếu xanh làm cơ sở để loại tài sản này ra đời và phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó, thiết lập những đơn vị độc lập, ban hành những chính sách ưu đãi kết hợp với việc đa dạng hóa thị trường phát hành sẽ là những điều kiện cần thiết để trái phiếu xanh thực sự trở thành công cụ thu hút vốn hữu hiệu cho các dự án kinh tế xanh của Việt Nam trong tương lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Hồng (2017), Chiến lược phát triển hệ thống tài chính xanh của Trung Quốc, http://ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=19481, 05/2017
2. PGS.TS. Kim Ngọc (2013), Phát triển kinh tế xanh ở Trung Quốc và hàm ý chính sách cho Việt Nam, http://vssr.vass.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/chinhtrikinhte/View_Detail.aspx?ItemID=114, 05/2017
3. Nguyễn Thị Hồng Nhung (2015), Trái phiếu xanh – tiềm năng và thách thức, Tạp chí Chứng khoán Việt Nam, số 204, trang 20
4. Mai Thư, Thu Hương (2015), Tài chính xanh gắn với phát triển bền vững, Tạp chí Chứng khoán, số 206, trang 12
5. Trần Trọng Triết (2017), Trái phiếu xanh – kênh thu hút vốn mới, http://tapchithue.com.vn/doanh-nghiep-thi-truong/11075-trai-phieu-sanh.html, 05/2017
6. ThS. Nông Minh Trang (2015), Trái phiếu xanh và triển vọng của nó ở Việt Nam, Tạp chí Sinh hoạt lý luận, số 5, trang 32
7. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (2015), Chỉ thị về Trái phiếu tài chính xanh, http://www.pbc.gov.cn/goutongjiaoliu/113456/113469/2993398/index.html, 20/04/2017
8. Climate Bonds Initiative & The International Institute for Sustainable Development (2016), Roadmap for China’s green bond market, https://www.climatebonds.net/roadmap- chinas-green-bond-market, 15/04/2017
9. Climate Bonds Initiative & China Central Depository & Clearing Co. Ltd. (2017), China green bond market 2016, https://www.climatebonds.net/resources/reports/china-green-bond- market-2016, 20/04/2017
10. International Capital Market Association (2015), Green Bond Principles, www.icmagroup.org/assets/.../Green-Bonds/GBP_2015_27-March.pdf, 20/04/2017
Bài viết liên quan
Các tin khác
- Bình luận Luật cạnh tranh - 19/03/2022 04:30
- Quản trị công ty và một số đề xuất cho Việt Nam - 26/07/2017 09:06
- Ứng dụng excel lập bảng khấu hao tài sản cố định - 24/05/2017 03:01
- Tổng cục thuế hướng dẫn quyết toán thuế TNCN, TNDN - 29/03/2017 10:00
- Một số công cụ excel tiện ích cho kế toán - 01/03/2017 03:26