HOÀN THIỆN PHƯƠNG PHÁP KẾ TOÁN LỢI THẾ THƯƠNG MẠI
- Chi tiết
- Chuyên mục: Tổng hợp
HOÀN THIỆN PHƯƠNG PHÁP KẾ TOÁN LỢI THẾ THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
TS. Bùi Công Khánh
- KHÁI QUÁT VỀ LỢI THẾ THƯƠNG MẠI
Trên thế giới, “Lợi thế thương mại” (Goodwill) phát sinh từ việc mua, hợp nhất doanh nghiệp xuất hiện từ rất sớm. Trong quá trình phát triển của kế toán, đã có nhiều phương pháp hạch toán, xử lý lợi thế thương mại khác nhau. Từ chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 22 (1993), đến IAS 22 (1998), rồi đến IFRS 3 (2004) xem lợi thế thương mại (Goodwill) là phần chênh lệch giữa giá mua đã thanh toán cho việc mua doanh nghiệp trên giá trị hợp lý của tài sản thuần nhận được từ hoạt động mua doanh nghiệp đó. Trong đó, IAS đã đưa ra các phương pháp xử lý lợi thế thương mại rất rõ ràng và cụ thể ứng với từng giai đoạn phát triển.
Ở Việt Nam, khái niệm “Lợi thế thương mại” (LTTM) xuất hiện lần đầu trong Hệ thống kế toán doanh nghiệp được ban hành theo Quyết định 1141 TC/QĐ/CĐKT ngày 1/11/1995, sau đó lại được đề cập đến trong Quyết định 166/QĐ-BTC ngày 30/12/1999. Cụ thể như sau:
- Theo Quyết định 1141 TC/QĐ/CĐKT ngày 1/11/1995: Lợi thế thương mại là các khoản chi thêm ngoài giá thực tế của các tài sản cố định hữu hình bởi sự thuận lợi của vị trí thương mại, sự tín nhiệm đối với bạn hàng, danh tiếng của doanh nghiệp,…
- Theo Quyết định 166/QĐ-BTC ngày 30/12/1999: Lợi thế thương mại là khoản chi cho phần chênh lệch doanh nghiệp phải trả thêm (chênh lệch phải trả thêm = giá mua – giá trị tài sản theo đánh giá thực tế) ngoài giá trị tài sản theo đánh giá thực tế khi doanh nghiệp đi mua, nhận sáp nhập, hợp nhất một doanh nghiệp khác. Lợi thế này được hình thành bởi ưu đãi về vị trí kinh doanh, về danh tiếng và uy tín với bạn hàng, về trình độ tay nghề của đội ngũ người lao động, về bộ máy điều hành tổ chức của doanh nghiệp đó,….
- Đến năm 2001, Lợi thế thương mại phát sinh từ việc mua doanh nghiệp (DN) lại được đề cập trong Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 04 về “Tài sản cố định vô hình”. Cụ thể như sau:
- LTTM là nguồn lực vô hình doanh nghiệp có được thông qua việc sáp nhập DN có tính chất mua lại được ghi nhận là LTTM vào ngày phát sinh nghiệp vụ mua.
- LTTM phát sinh từ việc sáp nhập DN có tính chất mua lại được thể hiện bằng một khoản thanh toán do bên đi mua tài sản thực hiện để có thể thu được lợi nhuận trong tương lai.
- Chi phí phát sinh để tạo ra lợi ích kinh tế trong tương lai nhưng không hình thành TSCĐ vô hình vì không đáp ứng được định nghĩa và tiêu chuẩn ghi nhận trong chuẩn mực này, mà tạo ra LTTM từ nội bộ DN. LTTM được tạo ra từ nội bộ DN không được ghi nhận là tài sản vì nó không phải là nguồn lực có thể xác định được, không được đánh giá một cách đáng tin cậy và DN không kiểm soát được”.
Theo chuẩn mực này, các tài sản vô hình trong quá trình sáp nhập có tính chất mua lại nếu không thoả mãn định nghĩa và tiêu chuẩn ghi nhận là TSCĐ vô hình sẽ trở thành lợi thế thương mại nhưng không quy định các ghi nhận và xử lý LTTM như thế nào.
- Đến năm 2002, Thông tư 55/2002/TT-BTC đề cập đến lợi thế thương mại là chênh lệch giữa giá mua và giá trị sổ sách của các tài sản đơn vị được mua.
- Đến năm 2005, Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 11 (VAS-11) – “Hợp nhất kinh doanh” cũng đề cập đến LTTM như sau:
- LTTM là những lợi ích kinh tế trong tương lai phát sinh từ các Tài sản không xác định được và không ghi nhận được một cách riêng biệt.
- Tại ngày mua bên mua sẽ ghi nhận LTTM phát sinh khi hợp nhất kinh doanh là tài sản; và xác định giá trị ban đầu cả LTTM theo giá gốc, là phần chênh lệch của giá phí hợp nhất so với phần sở hữu của bên mua trong giá trị hợp lý thuần của tài sản, nợ phải trả có thể xác định được và các khoản nợ tiềm tàng.
Theo chuẩn mực này, LTTM được phát sinh trong quá trình hợp nhất kinh doanh thể hiện khoản thanh toán của bên mua cho những lợi ích kinh tế thu được trong tương lai từ những tài sản không đủ tiêu chuẩn ghi nhận và không xác định được một cách riêng biệt.
- PHƯƠNG PHÁP KẾ TOÁN LỢI THẾ THƯƠNG MẠI HIỆN NAY
vTương ứng với mỗi giai đoạn phát triển sẽ có những phương pháp hạch toán khác nhau. Cụ thể như sau:
- Từ Quyết định 1141 đến Quyết định 166, khái niệm lợi thế thương mại phát sinh từ việc hợp nhất được khẳng định là vốn hóa thành tài sản vô hình và được tính khấu hao.
- Đến năm 2001, lợi thế thương mại phát sinh từ việc mua doanh nghiệp lại được đề cập đến trong Chuẩn mực Kế toán Việt Nam số 04 về “Tài sản cố định vô hình”. Theo chuẩn mực này lợi thế thương mại phát sinh từ việc mua doanh nghiệp được hạch toán như là khoản chi phí trả trước dài hạn.
- Theo Thông tư 55/2002/TT-BTC hướng dẫn kế toán đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng đề cập việc ghi nhận Lợi thế thương mại phát sinh từ việc mua doanh nghiệp như là một chi phí trả trước dài hạn.
- Theo thông tư 89/2002/TT-BTC: Lợi thế thương mại được đưa vào một nội dung trong TK 242 – Chi phí trả trước dài hạn.
- Theo thông tư 21/2006/TT-BTC: Lợi thế thương mại được phân bổ dần vào chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mua trong thời gian tối đa không quá 10 năm.
Việc Lợi thế thương mại được nhắc đến nhiều đã khẳng định vị trí quan trọng của nó. Nhưng các quy định hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa phản ánh đầy đủ và chưa xử lý đúng mức đối với Lợi thế thương mại phát sinh từ việc mua doanh nghiệp.
Qua đó, cho thấy có sự khác biệt về cách xử lý Lợi thế thương mại giữa Việt Nam và Thế giới, vấn đề đặt ra cho chúng ta là nên chọn cách làm nào hợp lý nhất với điều kiện ở Việt Nam hiện nay.
vLợi thế thương mại âm (Negative Goodwill)
- Thông tư 55/2002/TT-BTC đã đưa ra các hướng dẫn về phương pháp kế toán đối với lợi thế thương mại âm. Theo đó, lợi thế thương mại âm được xử lý tương tự IAS 22 (1993) theo phương pháp chuẩn:
- Giá trị tương đương của các tài sản phi tiền tệ cần được ghi giảm tương ứng cho tới khi không còn chênh lệch.
- Phần còn lại (nếu có) sẽ được ghi nhận như một khoản thu nhập chưa thực hiện và được phân bổ vào thu nhập trong thời gian không quá 20 năm (trừ khi có lý do xác đáng).
- Trong chuẩn mực số 04 về “Tài sản cố định vô hình”, lợi thế thương mại âm có được đề cập đến nhưng không có quy định.
Tuy nhiên, cách xử lý Lợi thế thương mại như trên liệu có hợp lý với tình hình Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh thế giới hay không?. Vì cho đến nay, chuẩn mực kế toán quốc tế đã hai lần sửa đổi về cách xừ lý vấn đề này thể hiện ở IAS 22 (1998) và IFRS 3 (2004).
- KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHƯƠNG PHÁP KẾ TOÁN LỢI THẾ THƯƠNG MẠI
Để hoàn thiện hơn về phương pháp hạch toán cũng như trình bày báo cáo tài chính khoản “Lợi thế thương mại” ở Việt Nam trong thời gian tới, tác giả xin đưa ra một vài kiến nghị sau:
- Lợi thế thương mại phát sinh từ việc mua doanh nghiệp được coi như một tài sản đặc biệt, phân bổ trực tiếp vào chi phí sản xuất kinh doanh trong thời gian hợp lý. Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 04 về Tài sản vô hình ban hành năm 2004, Lợi thế thương mại được ghi nhận là chi phí trả trước dài hạn. Hạch toán như vậy là do đi từ cách định nghĩa: “Các tài sản vô hình khi mua doanh nghiệp nếu không thỏa mãn định nghĩa về tài sản vô hình và tiêu chuẩn ghi nhận tài sản vô hình thì được coi là lợi thế thương mại”. Tuy nhiên định nghĩa này cũng khẳng định “Lợi thế thương mại” có bản chất là một tài sản. Mặt khác Lợi thế thương mại có giá trị khá lớn và được đánh giá có ảnh hưởng quan trọng đến lợi ích kinh tế tương lai, nhiều khi nó còn lớn hơn giá trị hợp lý của tài sản phi tiền tệ của doanh nghiệp bị mua. Vậy việc ghi nhận Lợi thế thương mại vào chi phí trả trước dài hạn có phải là chưa tối ưu, hơi gượng ép. Để giải quyết vấn đề này, Tác giả kiến nghị bổ sung vào hệ thống tài khoản kế toán Việt Nam một tài khoản là 215 với tên gọi “Lợi thế thương mại”. Tài khoản này được sử dụng để ghi nhận riêng cho hoạt động mua doanh nghiệp, có bản chất là tài sản nhưng do việc ước lượng một cách đáng tin cậy lợi ích kinh tế tương lai phát sinh từ nó thật sự rất khó khăn nên không được hạch toán theo phương pháp giá gốc mà được phân bổ vào chi phí theo thời gian hợp lý.
- Kết cấu của tài khoản 215 “Lợi thế thương mại” được trình bày như sau:Tài khoản 215 “Lợi thế thương mại” phản ánh loại tài sản đặc biệt nên nó có thể có số dư Nợ (lợi thế thương mại dương) hoặc số dư Có (lợi thế thương mại âm), và được trình bày trên báo cáo tài chính thành một chỉ tiêu riêng trong phần “Tài sản dài hạn”.
- Bên nợ: Ghi nhận giá trị lợi thế thương mại (dương) phát sinh.
- Bên có: Ghi nhận giá trị lợi thế thương mại âm phát sinh.
- Dư nợ: Giá trị lợi thế thương mại (dương) còn lại chưa phân bổ vào chi phí.
- Dư Có: Giá trị lợi thế thương mại âm còn lại chưa ghi nhận vào thu nhập.
- Về khấu hao lợi thế thương mại: Nên chọn cách xử lý theo IAS 22 (1998) vì cách xử lý này sẽ thích hợp hơn với nền kinh tế thị trường ở Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển để hội nhập kinh tế thế giới. Riêng việc không tính khấu hao mà chỉ kiểm tra tổn thất hàng năm như IFRS-3 theo tác giả thì chưa thực hiện được, vì vấn đề này còn phức tạp và quá xa lạ với điều kiện của Việt Nam hiện nay.
Hy vọng rằng, với những kiến nghị trên thì “Lợi thế thương mại” phát sinh trong quá trình mua bán, hợp nhất doanh nghiệp ở việt Nam trong thời gian tới sẽ được ghi nhận và phản ánh trên Báo cáo tài chính của doanh nghiệp một cách trung thực và hợp lý hơn đáp ứng theo yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế thế giới.
*****
Tin cùng chủ đề
Bài viết liên quan
- HOÀN THIỆN CHUẨN MỰC CHUNG KẾ TOÁN VIỆT NAM - 21/07/2015 09:15
- Kế toán thuế thu nhập hoãn lại - 07/07/2015 08:46
- Trung Tâm đào tạo các khóa học kế toán tại tphcm - 04/07/2015 16:59
- LUẬT KẾ TOÁN MỘT SỐ VẤN ĐỀ TỒN TẠI - KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI - 29/06/2015 09:44
- HOÀN THIỆN PHƯƠNG PHÁP KẾ TOÁN CÁC KHOẢN ĐẦU TƯ VÀO CÔNG TY LIÊN KẾT - 29/06/2015 09:26