Đăng ký khóa học

Giảm 10% khi đăng ký  học trực tiếp trước ngày khai giảng. Giảm 20% khi đăng ký học online trước ngày khai giảng tại Quận 3, Tân Bình. Giảm 30% cho nhóm đăng ký 5 người trờ lên.

 

LUẬT KẾ TOÁN MỘT SỐ VẤN ĐỀ TỒN TẠI - KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI

MỘT SỐ VẤN ĐỀ TỒN TẠI - KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI

TS. Bùi Công Khánh

Luật kế toán

Luật kế toán ra đời năm 2003 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2004 đã thay thế Pháp lệnh về chế độ kế toán và thống kê năm 1988 nhằm hoàn thiện hơn khuôn khổ pháp lý trong công tác kế toán tại doanh nghiệp trong thời gian qua. Luật kế toán ra đời đã thay thế rất nhiều văn bản dưới luật được ban hành trong suốt 15 năm (từ năm 1988 đến năm 2003), khắc phục được tình trạng chấp vá trong việc quản lý công tác kế toán doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi và chủ động hơn cho doanh nghiệp và người làm kế toán trong quá trình thực hiện công tác kế toán. Luật kế toán cũng chính thức thừa nhận về “dịch vụ kế toán”, đây là một loại hình dịch vụ có ý nghĩa to lớn trong việc hỗ trợ công tác kế toán cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ta.

Bên cạnh những tác động tích cực sau 9 năm thực thi, Luật kế toán vẫn còn tồn tại một số vấn đề bất cập, hạn chế cần được sửa đổi và một số vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn mà Luật kế toán chưa đề cập đến nhằm hoàn thiện hơn khuôn khổ pháp lý về kế toán trong tương lai.

1. Một số vấn đề bất cập, hạn chế trong qui định của Luật Kế toán

 1.1.Về lựa chọn áp dụng hệ thống sổ kế toán

- Luật kế toán qui định:

Điều 26. Lựa chọn áp dụng hệ thống sổ kế toán

1. Mỗi đơn vị kế toán chỉ có một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán năm.

2. Đơn vị kế toán phải căn cứ vào hệ thống sổ kế toán do Bộ Tài chính quy định để chọn một hệ thống sổ kế toán áp dụng ở đơn vị.

3. Đơn vị kế toán được cụ thể hoá các sổ kế toán đã chọn để phục vụ yêu cầu kế toán của đơn vị.

- Nhận xét, đánh giá:

Khoản 1 qui định chưa rõ là nội dung này có bao gồm hệ thống sổ kế toán quản trị hay không?

Khoản 3 tạo mâu thuẫn với khoản 1 nếu đơn vị cụ thể hóa hệ thống sổ kế toán và tạo ra hệ thống sổ kế toán quản trị và cũng có thể tạo ra một hệ thống sổ mới trong khi nội dung khoản 1 qui định “mỗi đơn vị kế toán chỉ có một hệ thống sổ kế toán.

1.2. Về lập Báo cáo tài chính

- Luật kế toán qui định

Điều 30. Lập báo cáo tài chính 

1. Đơn vị kế toán phải lập báo cáo tài chính vào cuối kỳ kế toán năm; trường hợp pháp luật có quy định lập báo cáo tài chính theo kỳ kế toán khác thì đơn vị kế toán phải lập theo kỳ kế toán đó.

2. Việc lập báo cáo tài chính phải căn cứ vào số liệu sau khi khóa sổ kế toán. Đơn vị kế toán cấp trên phải lập báo cáo tài chính tổng hợp hoặc báo cáo tài chính hợp nhất dựa trên báo cáo tài chính của các đơn vị kế toán trong cùng đơn vị kế toán cấp trên.

3. Báo cáo tài chính phải được lập đúng nội dung, phương pháp và trình bày nhất quán giữa các kỳ kế toán; trường hợp báo cáo tài chính trình bày khác nhau giữa các kỳ kế toán thì phải thuyết minh rõ lý do.

4. Báo cáo tài chính phải được người lập, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán ký. Người ký báo cáo tài chính phải chịu trách nhiệm về nội dung của báo cáo.

- Nhận xét, đánh giá:

Tại Khoản 2, Điều 30 Luật Kế toán Quy định chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, chưa chỉ rõ khi nào và đối tượng nào phải lập Báo cáo tài chính tổng hợp, khi nào và đối tượng nào phải lập BCTC hợp nhất.

1.3. Về qui định những người không được làm kế toán

- Khoản 3 Điều 51 qui định như sau:

……

3. Bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người có trách nhiệm quản lý điều hành đơn vị kế toán, kể cả kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán là doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, hợp tác xã, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.

- Nhận xét, đánh giá:

Quy định như trên áp dụng với các công ty cổ phần nói chung là không hợp lý vì ở nước ta hiện nay có rất nhiều công ty cổ phần trong phạm vi gia đình. Pháp luật không cấm những người trong gia đình góp vốn thành lập doanh nghiệp và cũng không cấm những người góp vốn trực tiếp quản lý, điều hành DN, trong đó có làm kế toán, kế toán trưởng.

1.4. Về đối tượng của Kế toán

- Luật kế toán qui định:

Điều 9. Đối tượng kế toán 

1. Đối tượng kế toán thuộc hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước, hành chính, sự nghiệp; hoạt động của đơn vị, tổ chức có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước gồm:

a) Tiền, vật tư và tài sản cố định;

b) Nguồn kinh phí, quỹ;

c) Các khoản thanh toán trong và ngoài đơn vị kế toán;

d) Thu, chi và xử lý chênh lệch thu, chi hoạt động;

đ) Thu, chi và kết dư ngân sách nhà nước;

e) Đầu tư tài chính, tín dụng nhà nước;

g) Nợ và xử lý nợ của Nhà nước;

h) Tài sản quốc gia;

i) Các tài sản khác có liên quan đến đơn vị kế toán.

2. Đối tượng kế toán thuộc hoạt động của đơn vị, tổ chức không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước gồm các tài sản, nguồn hình thành tài sản theo quy định tại các điểm a, b, c, d và i khoản 1 Điều này.

3. Đối tượng kế toán thuộc hoạt động kinh doanh gồm:

a) Tài sản cố định, tài sản lưu động;

b) Nợ phải trả và vốn chủ sở hữu;

c) Các khoản doanh thu, chi phí kinh doanh, chi phí khác và thu nhập;

d) Thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước;

đ) Kết quả và phân chia kết quả hoạt động kinh doanh;

e) Các tài sản khác có liên quan đến đơn vị kế toán.

4. Đối tượng kế toán thuộc hoạt động ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán, đầu tư tài chính, ngoài quy định tại khoản 3 Điều này còn có:

a) Các khoản đầu tư tài chính, tín dụng;

b) Các khoản thanh toán trong và ngoài đơn vị kế toán;

c) Các khoản cam kết, bảo lãnh, các giấy tờ có giá.

- Nhận xét, đánh giá:

Quy định về đối tượng kế toán (Điều 9) quá chi tiết và dễ dẫn đến sự mẫu thuẫn khi có sự thay đổi trong chuẩn mực và chế độ kế toán, hoặc bỏ sót một đối tượng cụ thể nào đó hoặc các nội dung quy định có sự trùng lắp và thiếu thống nhất, thiếu minh bạch.

            Cụ thể như sau:

-    Tại khoản 3, tiết a, đối tượng kế toán trong hoạt động kinh doanh có “tài sản dài hạn và tài sản lưu động”, nhưng theo chuẩn mực và chế độ kế toán hiện này quy định tài sản của doanh nghiệp gồm “tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn”.

-    Tại khoản 3 tiết b đã nêu đối tượng là nợ phải trả và VCSH, đến tiết d lại nêu “thuế và các khoản phải nộp NSNN” là trùng lắp vì “Nợ phải trả” đã bao gồm “thuế và các khoản phải nộp NSNN”.

1.5. Về hóa đơn bán hàng

- Luật kế toán qui định:

 

Khoản 3. Điều 21 quy định: Hóa đơn bán hàng được thể hiện bằng các hình thức sau đây:

a) Hóa đơn theo mẫu in sẵn;

b) Hóa đơn in từ máy;

c) Hóa đơn điện tử;

d) Tem, vé, thẻ in sẵn giá thanh toán.

Trong khi đó, Nghị định 51/2010/NĐ-CP qui định như sau:

1. Hóa đơn gồm các loại sau:

a) Hóa đơn xuất khẩu là hóa đơn dùng trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra nước ngoài, xuất khẩu vào khu phi thuế quan;

b) Hóa đơn giá trị gia tăng là hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ nội địa dành cho các tổ chức, cá nhân khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ;

c) Hóa đơn bán hàng là hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ nội địa dành cho các tổ chức, cá nhân khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp;

d) Các loại hóa đơn khác, gồm: vé, thẻ hoặc các chứng từ có tên gọi khác nhưng có hình thức và nội dung quy định tại các khoản 2, 3 Điều này.

2. Hóa đơn được thể hiện bằng các hình thức sau:

a) Hóa đơn tự in là hóa đơn do các tổ chức, cá nhân kinh doanh tự in ra trên các thiết bị tin học, máy tính tiền hoặc các loại máy khác khi bán hàng hóa, dịch vụ;

b) Hóa đơn điện tử là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hóa, dịch vụ, được khởi tạo, lập, gửi, theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành;

c) Hóa đơn đặt in là hóa đơn do các tổ chức, cá nhân kinh doanh đặt in theo mẫu để sử dụng cho hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, hoặc do cơ quan thuế đặt in theo mẫu để cấp, bán cho các tổ chức, cá nhân.

- Nhận xét, đánh giá:

Quy định trên không nhất quán với quy định về hóa đơn tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP.

 

    1. Những vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhưng chưa được Luật kế toán quy địnhMột số kiến nghị nhằm sửa đổi, bổ sung luật kế toán
      1. 2.1.Về đạo đức nghề nghiệp kế toán
      2. 2.2.Về đào tạo và nghiên cứu khoa học về kế toán

 

Luật Kế toán chưa quy định về đạo đức nghề nghiệp kế toán. Điều này có thể  dẫn đến những hậu quả là Người làm kế toán có thể vi phạm nghiêm trọng về đạo đức nghề nghiệp, gây hậu quả cho chủ doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ kế toán; và cũng chưa có hành lang pháp lý để xử lý các vi phạm này.

Luật Kế toán chưa quy định về công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học về kế toán. Điều đó dẫn đến:

- Có trường hợp không đủ điều kiện đào tạo về kế toán nhưng vẫn tổ chức đào tạo về kế toán;

- Cơ sở đào tạo không cập nhật kịp thời kiến thức mới trong đào tạo về kế toán.

- Công tác nghiên cứu khoa học về kế toán chưa được coi trọng đúng mức.

2.3. Giám đốc tài chính của doanh nghiệp

Luật Kế toán và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến quản lý tài chính, kế toán của DN đều chưa quy định về Giám đốc tài chính.

Trong thực tế, nhiều DN, đặc biệt là các DN có vốn đầu tư nước ngoài, các Công ty cổ phần đã niêm yết trên thị trường chứng khoán đã bổ nhiệm Giám đốc tài chính với quyền hạn lớn hơn Kế toán trưởng.

Việc chưa có quy định về Giám đốc tài chính là một khoảng trống pháp lý trong công tác quản lý tài chính và kế toán DN ở nước ta hiện nay.

3.1. Về lựa chọn áp dụng hệ thống sổ kế toán

Kiến nghị Điều 26 Luật kế toán “Lựa chọn áp dụng hệ thống sổ kế toán”:

Chỉ quy định đơn vị kế toán lựa chọn hệ thống sổ kế toán đối với kế toán tài chính. Do đó, Điều 26 nên sửa lại là: Lựa chọn áp dụng hệ thống sổ kế toán tài chính.

3.2. Về lập Báo cáo tài chính

Kiến nghị:

Luật kế toán nên chia khoản 2, Điều 30 thành hai khoản như sau:

2.1. Việc lập báo cáo tài chính phải căn cứ vào số liệu sau khi khóa sổ kế toán.

2.2. Đơn vị kế toán cấp trên phải lập báo cáo tài chính tổng hợp dựa trên báo cáo tài chính của các đơn vị kế toán trong cùng đơn vị kế toán cấp trên. Công ty mẹ trong nhóm các công ty có quan hệ mẹ - con, công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế phải lập BCTC hợp nhất trên cơ sở BCTC của công ty mẹ và BCTC của các công ty con.

3.3. Về qui định những người không được làm kế toán

Kiến nghị:

Luật kế toán nên sửa Khoản 3 Điều 51 như sau:

-    Bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người có trách nhiệm quản lý điều hành đơn vị kế toán, kể cả kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán là doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần đại chúng, hợp tác xã, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.

-    Trong các doanh nghiệp khác, những người không được làm kế toán do Điều lệ doanh nghiệp quy định.

3.4. Về đối tượng của Kế toán

Kiến nghị:

-     Điều 9 nên qui định đối tượng của kế toán một cách khái quát, từ đó Chuẩn mực kế toán sẽ quy định cụ thể.

Hoặc:

-     Điều 9 nên qui định lại đối tượng của kế toán thống nhất với kết cấu của Bảng Cân đối kế toán theo chuẩn mực kế toán.

3.5. Về hóa đơn bán hàng

Kiến nghị:

Điều 21 Luật kế toán chỉ quy định về nguyên tắc quản lý và sử dụng hoá đơn. Những quy định cụ thể do Chính phủ quy định.

3.6. Về đạo đức nghề nghiệp kế toán

Kiến nghị:

Luật kế toán nên bổ sung một Chương về đạo đức nghề nghiệp với những nội dung:

- Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp kế toán;

- Trách nhiệm tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của người làm kế toán;

- Quản lý và giáo dục về đạo đức nghề nghiệp kế toán;

3.7. Về đào tạo và nghiên cứu khoa học về kế toán

Kiến nghị:

Luật kế toán nên bổ sung một số điều về công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học về kế toán với những nội dung cơ bản sau:

- Điều kiện của một cơ sở được phép đào tạo về kế toán;

- Trách nhiệm của cơ sở đào tạo về kế toán;

- Công tác nghiên cứu khoa học về kế toán;

3.8. Về chức danh Giám đốc tài chính của DN

Kiến nghị:

Luật Kế toán nên quy định một số Điều về Giám đốc tài chính với những nội dung:

- Tiêu chuẩn, điều kiện của Giám đốc tài chính;

- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc tài chính;

- Quan hệ giữa Giám đốc tài chính với Kế toán trưởng.

Sau 9 năm thi hành Luật kế toán đã có những tác động tích cực đến môi trường kế toán, kinh doanh, đầu tư, góp phần đưa kế toán trở thành một trong những công cụ quan trọng và có hiệu quả trong việc trong nền kinh tế quốc dân, hướng đến sự minh bạch thông tin kinh tế, tài chính của các đơn vị trong nền kinh tế. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, xuất hiện nhiều nhân tố mới, yêu cầu mới trong quản lý kinh tế nói chung, trong quản lý công tác kế toán nói riêng. Vì vậy, Luật kế toán ban hành năm 2003 đã có nhiều vấn đề qui định không còn phù hợp, thiếu tính thống nhất, thiếu tính khả thi hoặc có những vấn đề chưa được đề cập đến.

Trên đây là một số nhận xét, đánh giá và kiến nghị sau 9 năm thi hành Luật Kế Toán, hy vọng nó sẽ góp một phần nhỏ vào việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Luật Kế toán trong thời gian sắp tới nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực kế toán ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

**** Hết****

 

 

 

 

CÁC CƠ SỞ THUỘC TRUNG TÂM

- Q3: Tư vấn học online, SĐT: (028) 6659 2738
- TB: 544 Cách Mạng Tháng 8 , phường 4, quận Tân Bình
- TĐ: 281A Võ Văn Ngân, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức
- BH: 02 Lê Quý Đôn, phường Tân Hiệp, Biên Hòa, Đồng Nai (Đối diện ĐH Đồng Nai)

LIÊN HỆ

  • Hotline: 0909 493 140

KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI

Kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội