Quản trị công ty và một số đề xuất cho Việt Nam
- Chi tiết
- Chuyên mục: Tổng hợp
KINH NGHIỆM QUẢN TRỊ CÔNG TY NIÊM YẾT TẠI THÁI LAN
VÀ MỘT SỐ ĐỀ XUẤT CHO VIỆT NAM
ThS. Nguyễn Thị Minh Châu.
Tóm tắt
Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng, Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể trong hoạt động quản trị công ty (QTCT), đặc biệt là QTCT của các công ty niêm yết. Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá của Diễn đàn các thị trường vốn ASEAN, chất lượng QTCT Việt Nam đứng ở mức thấp nhất chi, trong khi, điểm trung bình QTCT Thái Lan cao nhất trong khu vực. Vì vậy, bài viết tập trung nghiên cứu về kinh nghiệm QTCT tại Thái Lan làm cơ sở đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao chất lượng hoạt động này tại Việt Nam trong thời gian tới.
Từ khóa: quản trị công ty niêm yết
Đặt vấn đề
Hiện nay, Thái Lan được Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế đánh giá là quốc gia dẫn đầu ASEAN và đứng thứ 3 Châu Á về QTCT. Để đạt được kết quả đó, Thái Lan đã phải trải qua một quá trình xây dựng và phát triển QTCT kéo dài với xuất phát điểm là từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Một trong những nguyên nhân làm cho Thái Lan lâm vào khủng hoảng là những bất cập về hoạt động QTCT khi hoạt động QTCT không phù hợp với tiêu chuẩn và kỳ vọng quốc tế (Limpaphayom và Connelly, 2004). Cụ thể, phần lớn các công ty đại chúng của Thái Lan đều có các cổ đông chính dạng gia đình, họ hàng hoặc cổ đông lớn có liên quan. Điều này đã dẫn đến hiện tượng các công ty đầu tư vào các dự án có chất lượng kém, chỉ mang lại lợi ích cho các cổ đông lớn nhưng ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của công ty cũng như quyền lợi của cổ đông thiểu số. Đồng thời, các doanh nghiệp trên thị trường hoạt động dựa vào nguồn vốn của ngân hàng nhưng do QTCT yếu kém kéo theo hệ thống ngân hàng Thái Lan cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, sau khi khủng hoảng xảy ra, Thái Lan đã có những cải cách quan trọng, cần thiết trong hoạt động QTCT. Như vậy, khi xét xuất phát điểm có thể thấy giữa Thái Lan và Việt Nam có nhiều nét tương đồng trong hoạt động QTCT ví dụ như một số công ty niêm yết có các cổ đông chính dạng gia đình, họ hàng, chỉ tập trung vào lợi ích của nhóm cổ đông lớn hay hoạt động yếu kém ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng. Do đó, bài viết tập trung vào tìm hiểu kinh nghiệm của Thái Lan trong hoạt động xây dựng và phát triển QTCT trong giai đoạn 1997 – 2014, trên cơ sở đó, đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao chất lượng hoạt động QTCT Việt Nam trong thời gian tới.
I. Tổng quan về quản trị công ty
Thuật ngữ QTCT lần đầu tiên được đề cập đến vào năm 1983 trên Tạp chí Luật và Kinh tế. Sau đó, với hàng loạt các cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra trong giai đoạn 1997 đến nay như khủng hoảng tài chính Châu Á 1997, khủng hoảng toàn cầu năm 2001 và gần đây nhất là 2008, vấn đề quản trị công ty (QTCT), đặc biệt là QTCT niêm yết đang trở thành vấn đề cấp thiết của các quốc gia trên thế giới bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia. Vì vậy, trên thế giới hiện nay có rất nhiều định nghĩa khác nhau về QTCT. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD (2004), QTCT là một hệ thống các biện pháp nội bộ để quản lý, kiểm soát công ty, trong đó, tập trung vào mối quan hệ giữa hội đồng quản trị, ban giám đốc, cổ đông và các bên có liên quan khác. QTCT theo Ngân hàng Thế giới là hệ thống các yếu tố pháp luật, thể chế và thông lệ quản lý của doanh nghiệp, cho phép thu hút các nguồn tài chính và nhân lực, hoạt động có hiệu quả, trên cơ sở đó tạo ra các giá trị kinh tế lâu dài cho cá cổ đông, quyền lợi của các bên liên quan và xã hội. Nói cách khác, QTCT là cơ chế đảm bảo tính công bằng, minh bạch để giải quyết các vấn đề xung đột lợi ích giữa chủ sở hữu và người quản lý thông qua quá trình cụ thể hóa việc phân phối quyền và trách nhiệm của hội đồng quản trị, ban giám đốc, cổ đông và những người có liên quan, trong đó, chỉ rõ quy định, quy trình ra quyết định về các vấn đề công ty để xây dựng mục tiêu, cách thức đạt được mục tiêu, kiểm soát thành quả, đồng thời khuyến khích sử dụng tài nguyên hiệu quả. Như vậy, ở góc độ doanh nghiệp, nếu QTCT tốt sẽ tạo điều kiện nâng cao hiệu quả kinh doanh, sử dụng tốt nguồn tài nguyên khan hiếm, dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn dài hạn, đồng thời đảm bảo được quyền lợi và sự đối xử bình đẳng với các cổ đông, đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan khác. Ở góc độ vĩ mô, QTCT tốt sẽ giúp quốc gia củng cố quyền sở hữu, giảm chi phí giao dịch và chi phí vốn, tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển và giảm thiểu khả năng tổn thương trước các biến động không mong muốn, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.
Về nguyên tắc QTCT, trên thế giới hiện nay có hơn 200 bộ quy chế QTCT tốt đã được xây dựng cho hơn 72 quốc gia và vùng lãnh thổ (Trần Quốc Tuấn, 2012). Trong đó, bộ nguyên tắc QTCT của OECD được xem như khuôn khổ chuẩn mực trong lĩnh vực QTCT bởi chỉ có bộ nguyên tắc của OECD mới có hướng dẫn cho các nhà hoạch định chính sách và đề cập một cách khá đầy đủ các lĩnh vực trong phạm vi QTCT. Các nguyên tắc QTCT theo OECD bao gồm: (1) Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc giám sát, quản lý và cưỡng chế, thúc đẩy một thị trường minh bạch và hiệu quả; (2) Bảo vệ và tạo điều kiện thực hiện các quyền của cổ đông, đảm bảo tất cả các cổ đông được đối xử công bằng, kể cả cổ đông thiểu số và cổ đông nước ngoài; (3) Chỉ rõ các quyền của các bên liên quan theo quy định của pháp luật ngay từ khi công ty được thành lập; (4) Công bố công khai và chính xác các vấn đề liên quan đến công ty như tình hình tài chính, tình hình quản trị, điều hành…; (5) Làm rõ trách nhiệm của hội đồng quản trị đối với công ty và các cổ đông trong việc đưa ra định hướng chiến lược và sự giám sát có hiệu quả của hội động quản trị.
II. Kinh nghiệm quản trị công ty niêm yết tại Thái Lan
Nhận diện được những vấn đề bất cập trong hoạt động QTCT, kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 1997, Thái Lan đã thực hiện cuộc cải cách về QTCT với nhiều giai đoạn khác nhau. Cuộc cải cách được đánh dấu bằng sự ra đời của “Bộ Thông lệ quản trị công ty tốt nhất” vào năm 1999 do Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET) ban hành nhằm phổ biến những thông lệ QTCT tốt nhất cho các công ty niêm yết trên sàn. Bên cạnh việc phổ biến thông lệ quốc tế, Thái Lan còn thành lập Học viện Hiệp hội các Quản trị viên (IOD) nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp của thành viên hội đồng quản trị, thông qua đó nâng cao chất lượng QTCT. Đây được xem như bước ngoặt góp phần to lớn trong thành công của kết quả thực hành QTCT tại Thái Lan. IOD đã đi đầu trong việc thúc đẩy thực hành QTCT tố tại Thái Lan, thông qua hàng loạt các hoạt động như giúp phát triển các tiêu chuẩn giám đốc chuyên nghiệp, cung cấp các hướng dẫn thực hành tốt cho giám đốc công ty…Đồng thời, các cơ quan khác cũng tham gia tích cực vào quá trình cải cách QTCT như Chính phủ Thái Lan đã thông qua Luật Kế toán; Ngân hàng Nhà nước Thái Lan (BOT) ban hành quy định mới về kiểm toán nội bộ của các tổ chức tài chính; SET công bố báo cáo QTCty; IOD bắt đầu công bố Báo cáo QTCty của các CtyNY (CGR- Corporate Governance Report) hàng năm… Năm 2002, nhận thức về tầm quan trọng của QTCT đã được nâng cao và đây được gọi là “Năm của quản trị công ty tốt” với việc thành lập Ủy ban quốc gia về QTCT, Trung tâm QTCT (CGC), công bố “15 nguyên tắc của QTCT tốt” – được xây dựng dựa trên bộ nguyên tắc QTCT của OECD, đưa QTCT vào chủ trương chính của Chính phủ và hàng loạt các hội nghị, hội thảo được tổ chức. Đến năm 2005, Thái Lan về cơ bản đã sửa đổi và cập nhật được các bộ luật và quy định cụ thể nhằm hỗ trợ sự phát triển của QTCT, công cụ hỗ trợ được xây dựng (bộ CGR 2000), các cơ quan chức năng được thành lập (IOD, CGC).
Giai đoạn 2005 đến nay, Thái Lan tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về QTCT cũng như cập nhật các công cụ hỗ trợ và đánh giá QTCT theo chuẩn mực quốc tế. Năm 2006, SET đã sửa đổi và cập nhật “15 nguyên tắc QTCT tốt” thành “những nguyên tắc quản trị công ty tốt dành cho các công ty niêm yết” và năm 2012 tiếp tục sửa đổi, bổ sung để phù hợp với bộ Thẻ điểm của ASEAN nhằm làm kim chỉ nam cho hoạt động QTCT của các công ty niêm yết tại Thái Lan. Thái Lan cũng chủ động chuyển đổi từ Chuẩn mực Báo cáo tài chính Thái Lan theo Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế nhằm tạo điều kiện mở rộng thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các doanh nghiệp Thái Lan huy động vốn tại các nước khác. Chuẩn mực kế toán quốc tế cũng bước đầu được khuyến khích áp dụng từ năm 2012.
Bên cạnh việc hoàn thiện các bộ luật, quy định liên quan đến QTCT, xây dựng các công cụ hỗ trợ, thông qua các cơ quan chức năng, để nâng cao nhận thức cũng như thực hành QTCT của các công ty niêm yết, Thái Lan đã thực hiện giáo dục và phổ biến những kiến thức thực hành QTCT tốt nhất đến từng công ty: thực hiện các cuộc khảo sát để đánh giá thực trạng thực hành QTCT của các công ty niêm yết, trên cơ sở đó, tập trung giáo dục những vào những hạn chế QTCT cũng như phổ biến những hướng dẫn thực hành QTCT tốt nhất đến các công ty thông qua các buổi hội thảo, tọa đàm…Đồng thời, Thái Lan cũng có những cơ chế để khuyến khích các công ty thực hành QTCT tốt như giảm phí niêm yết cho những công ty có kết quả QTCT tốt, tạo danh sách niêm yết theo từng cấp để thúc đẩy các công ty hướng đến QTCT tốt.
Với những cải cách phù hợp, chất lượng thực hành QTCT tại các công ty niêm yết Thái Lan ngày càng được nâng cao thể hiện qua điểm số QTCT ngày càng cao qua các cuộc khảo sát. Năm 2002, Thái IOD kết hợp với công ty McKinsey đã thực hiện cuộc khảo sát trên số liệu của 100 công ty niêm yết hàng đầu trên thị trường chứng khoán Thái Lan và tiến hành so sánh với một số nước. Kết quả cho thấy điểm QTCT của Thái Lan khá thấp với mức điểm trung bình là 56, xếp sau Malaysia với điểm đạt được là 70 (Hình 1).
Hình 1: Điểm QTCT của một số nước so sánh với Thái Lan năm 2002
Nguồn: Nguyễn Thị Mỹ Dung và Vũ Thị Huế, 2015
Tuy nhiên, đến năm 2014, trong báo cáo Thẻ điểm QTCT ASEAN do Diễn đàn các thị trường vốn ASEAN (ACMF) phát hành, Thái Lan đã vượt lên Malaysia, đứng đầu các nước tham gia khảo sát với mức điểm 84.5, trong khi Malaysia chỉ đạt 79. Cũng theo báo cáo trên, điểm QTCT của Thái Lan cũng đang ngày càng tăng, từ 75.4 năm 2013, cao hơn năm 2012 là 8 điểm, và lên 84.5 trong năm 2014. Kết quả trên cho thấy các doanh nghiệp Thái Lan, thông qua việc thực hành QTCT tốt đã góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và nâng cao vị thế của Thái Lan trong khu vực và quốc tế.
Biểu đồ 1: Điểm QTCT của một số quốc gia ASEAN năm 2014
Nguồn: Hoàng Phương, 2015
III. Một số đề xuất cho Việt Nam
Hoạt động QTCT niêm yết ở Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong giai đoạn 2007 – 2013. Về mặt pháp lý, với sự ra đời của thị trường chứng khoán, Việt Nam bắt đầu có những quan tâm đến hoạt động QTCT đối với công ty niêm yết thể hiện ở việc ban hành Quyết định 12/2007/QĐ-BTC về Quy chế QTCT áp dụng cho các công ty niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán. Từ đó đến nay, Việt Nam đã không ngừng cải thiện khung luật pháp về QTCT như ban hành Thông tư 52/2012/TT-BTC về Công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, Thông tư số 121/2012/TT-BTC về quy định QTCT áp dụng cho công ty đại chúng, Nghị định số 108/2013/NĐ-Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Sự ra đời của những văn bản này đã giúp cải thiện tình hình tuân thủ và thực thi QTCT ở các công ty đại chúng tại Việt Nam và được xem như là bước tiến trong việc hoàn thiện khung pháp lý đối với hoạt động QTCT tại Việt Nam, góp phần rút ngắn khoảng cách so với thế giới. Bên cạnh đó, chất lượng thực hành QTCT cũng đang ngày càng tốt hơn, thể hiện qua điểm QTCT của Việt Nam theo báo cáo của ACMF không ngừng tăng lên trong giai đoạn 2011 – 2013, từ 28.4 điểm năm 2011 lên 35.1 điểm năm 2013. Mặc dù vậy, công ty niêm yết Việt Nam có điểm trung bình quản trị thấp nhất trong 06 quốc gia thành viên ASEAN được khảo sát, phản ánh hoạt động QTCT tại các công ty niêm yết Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của các công ty niêm yết Việt Nam, dựa trên những kinh nghiệm của Thái Lan trong quá trình thực hiện QTCT niêm yết, bài viết xin đưa ra một số đề xuất như sau:
Thứ nhất, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến hoạt động QTCT ở các công ty đại chúng nói chung và công ty niêm yết nói riêng. Cụ thể, cần bổ sung quy định về trách nhiệm của công ty đối với các bên liên quan, nhất là đối với cộng đồng, xã hội và môi trường vì các bên liên quan đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc giám sát hoạt động QTCT. Nhà nước cần bổ sung thêm các quy định nhằm đảm bảo công bằng giữa cổ đông lớn và cổ đông nhỏ, giữa cổ đông nước ngoài và cổ đông trong nước. Ví dụ như việc đưa ra quy định công bố thông tin bằng 2 ngôn ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) trên website của các công ty niêm yết. Điều này sẽ giúp đảm bảo công bằng cho các cổ đông nước ngoài với cổ đông trong nước. Đồng thời, khi thực hiện việc công bố thông tin bằng tiếng Anh sẽ giúp công ty thu hút được những nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, Việt Nam cần thành lập tổ chức chuyên trách về QTCT. Một trong những nguyên nhân làm cho Thái Lan thành công trong hoạt động QTCT chính là việc thành lập tổ chức IOD. Ở Việt Nam hiện nay, một số các công ty niêm yết chưa chủ động trong việc thực hiện QTCT tốt. Với sự ra đời của tổ chức chuyên trách về QTCT, tổ chức này sẽ giúp các bên liên quan đến công ty như giám đốc, giám đốc điều hành, nhà đầu tư nâng cao nhận thức, hiểu biết về QTCT. Thêm vào đó, tổ chức này có thể phối hợp với các cơ quan chức năng khác như Sở giao dịch chứng khoán, Ủy ban chứng khoán Nhà nước xây dựng các tiêu chí chấm điểm dựa trên chuẩn mực quốc tế cũng như tình hình thực tế trong nước, thực hiện các cuộc khảo sát hàng năm để đánh giá những mặt chưa được trong hoạt động QTCT tại các công ty niêm yết Việt Nam. Cuộc khảo sát này cần tiến hành độc lập với các khảo sát của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Tài chính quốc tế, Ngân hàng quốc tế vì thông thường cuộc khảo sát của các tổ chức quốc tế chỉ chọn mẫu có giới hạn như 50 công ty lớn nhất thị trường chứng khoán, do đó, sẽ có những công ty niêm yết không được đánh giá. Dựa trên kết quả khảo sát, tổ chức này sẽ tiến hành các buổi hội thảo, hội nghị để giúp các công ty niêm yết hoàn thiện thực hành QTCT hướng đến chuẩn mực chung của thế giới.
Thứ ba, Việt Nam cần có cơ chế phù hợp để các công ty niêm yết chủ động trong việc áp dụng thông lệ QTCT. Để làm được điều này, việc nâng cao nhận thức, hiểu biết về QTCT của các công ty đóng vai trò quan trọng, đặc biệt cần làm rõ cho các công ty thấy được việc áp dụng thẻ điểm QTCT không tốn quá nhiều chi phí trong khi mang lại nhiều lợi ích. Thêm vào đó, các cơ quan chức năng xây dựng cơ chế khen thưởng, ưu đãi đối với các công ty niêm yết thực hiện QTCT tốt như tạo danh sách niêm yết theo từng cấp, trao thưởng hàng năm nhằm thúc đẩy các công ty hướng đến QTCT tốt.
Thứ tư, Việt Nam cần nâng cao vai trò cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc thúc đẩy QTCT. Trong đó, Ủy ban chứng khoán Nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo trong việc thực hiện QTCT tại các công ty niêm yết. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… cần có sự phối hợp nhịp nhàng để tiến hành các biện pháp cải cách QTCT một cách đồng bộ.
Nói tóm lại, QTCT đang là vấn đề cấp thiết của các quốc gia trong xu thế hội nhập. Việt Nam cũng đang bước đầu thực hiện những cải cách trong việc thực hành QTCT mà trước mắt là QTCT tại các công ty niêm yết. Để nhanh chóng đạt được kết quả tốt, Việt Nam cần rút kinh nghiệm từ các quốc gia đã và đang thành công trong việc thực hiện hoạt động QTCT, trong đó có Thái Lan. Trên cơ sở xem xét quá trình cải cách ở Thái Lan, bài viết đưa ra những đề xuất nhằm nâng cao chất lượng QTCT niêm yết tại Việt Nam trong thời gian tới như hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động QTCT, thành lập tổ chức chuyên trách về QTCT và xây dựng cơ chế khen thưởng để khuyến khích các công ty chủ động thực hiện QTCT tốt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. TS. Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Văn Quý (2012), “Quản trị công ty trong các doanh nghiệp Việt Nam”, Tạp chí Công nghệ ngân hàng, số 75
2. TS. Lê Thị Nhung (2013), “Áp dụng các nguyên tắc quản trị công ty vào hệ thống doanh nghiệp Việt Nam”, Tạp chí Khoa học và Đào tạo ngân hàng, số 139
3. Hoàng Phương (2015), “Thẻ điểm quản trị công ty Asean: Công cụ quản trị doanh nghiệp hiện đại”, Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại
4. ThS. Nguyễn Thị Mỹ Dung, ThS. Vũ Thị Huế (2015), “Kinh nghiệm quản trị công ty niêm yết tại Thái Lan”, Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ, số 6
5. Phạm Tuấn Anh (2015), “Kinh nghiệm quản trị công ty tốt của Thái Lan và Đài Loan”, Tạp chí chứng khoán, số 3
6. OECD (2004), “Bộ nguyên tắc Quản trị công ty của OECD”, chi tiết tại www.oecd.org
Bài viết liên quan
- Lưu ý điều kiện khi học chứng chỉ kế toán trưởng - 16/09/2022 08:18
- Thực trạng hoạt động ngân hàng xanh tại Việt Nam - 15/08/2022 03:05
- ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2014 – 2020 - 05/08/2022 07:37
- Kinh nghiệm phát triển trái phiếu xanh của Trung Quốc cho Việt Nam - 27/04/2022 10:12
- Bình luận Luật cạnh tranh - 19/03/2022 04:30
Các tin khác
- Ứng dụng excel lập bảng khấu hao tài sản cố định - 24/05/2017 03:01
- Tổng cục thuế hướng dẫn quyết toán thuế TNCN, TNDN - 29/03/2017 10:00
- Một số công cụ excel tiện ích cho kế toán - 01/03/2017 03:26
- Kế toán doanh thu của hợp đồng xây dựng - 14/10/2016 07:46
- Kế toán doanh thu phát sinh - 24/08/2016 08:43