Đăng ký khóa học

Giảm 10% khi đăng ký  học trực tiếp trước ngày khai giảng. Giảm 20% khi đăng ký học online trước ngày khai giảng tại Quận 3, Tân Bình. Giảm 30% cho nhóm đăng ký 5 người trờ lên.

 

Thực trạng hoạt động ngân hàng xanh tại Việt Nam


2-bieudo2Phát triển bền vững với tăng trưởng xanh đang trở thành xu hướng phát triển chung của các quốc gia trên thế giới bởi tăng trưởng xanh có thể giải quyết đồng thời những vấn đề giữa tăng trưởng và môi trường - xã hội, đảm bảo tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường và xã hội. Thông qua vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế, hệ thống ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện tăng trưởng xanh với cơ chế khuyến khích đầu tư vào các dự án thân thiện môi trường, các ngân hàng trở thành ngân hàng xanh.

 Trong định hướng phát triển 2012 – 2020 và xa hơn 2050, Việt Nam bắt đầu thực hiện tăng trưởng xanh và để đảm bảo nguồn vốn thực hiện, Chính phủ cũng đã có những định hướng thực hiện ngân hàng xanh. Trên cơ sở hệ thống hóa lý thuyết về ngân hàng xanh, bài viết tập trung đánh giá thực trạng ngân hàng xanh tại Việt Nam trong thời gian qua, trên cơ sở đó, đưa ra một số kiến nghị nhằm phát triển hoạt động ngân hàng xanh tại Việt Nam trong thời gian tới.

ThS. Nguyễn Thị Minh Châu 


I. Cơ sở lý luận về ngân hàng xanh
1.1 Khái niệm về ngân hàng xanh

Khái niệm “ngân hàng xanh” lần đầu xuất hiện vào năm 2003 ở các nước phương tây với mục đích bảo vệ môi trường, sau đó được nhiều nhà kinh tế sử dụng trong các nghiên cứu của mình. Theo Bahl (2012), ngân hàng xanh bao gồm các hoạt động ngân hàng trực tuyến, thực hiện các giao dịch qua mạng thay vì mở rộng chuỗi chi nhánh của ngân hàng. Trong nghiên cứu của Millat và các cộng sự (2013), ngân hàng xanh  có thể tiếp cận theo hai hướng, bao gồm: (1) tập trung xanh hóa hoạt động nội bộ của ngân hàng và (2) tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường, chú trọng yếu tố môi trường xã hội trong quá trình thẩm định cho vay. Nghiên cứu năm 2014 của Singal và Arya cho rằng ngân hàng xanh nghiêng về hoạt động kinh tế xã hội và chú trọng yếu tố môi trường thông qua giảm lượng các bon cả trong và ngoài ngân hàng. Cụ thể, ngân hàng giảm lượng các bon trong ngân hàng bằng cách thực hiện các hoạt động trực tuyến, sử dụng hệ thống ATM, mobile banking, các loại thẻ, trao đổi qua thư điện tử… nhằm giảm thiểu các hoạt động liên quan đến giấy tờ, văn phòng phẩm, máy điều hòa… Đối với mục tiêu giảm lượng khí thải ngoài ngân hàng, các ngân hàng thực hiện tín dụng xanh hay là tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường, giảm thải ô nhiễm, ưu tiên đối với những ngành công nghiệp xanh.

Như vậy, ngân hàng xanh cũng giống các ngân hàng khác nhưng có cân nhắc đến yếu tố môi trường, xã hội thông qua việc giảm thiểu lượng các bon theo hướng khuyến khích hoạt động tín dụng xanh và xanh hóa các hoạt động điều hành tổ chức công việc của ngân hàng.

1.2 Các hoạt động ngân hàng xanh

Dựa trên khái niệm có thể chia hoạt động ngân hàng xanh thành hai nhóm hoạt động chính, bao gồm hoạt động tín dụng xanh và hoạt động nội bộ ngân hàng xanh. Trong đó, hoạt động tín dụng xanh, theo báo cáo “Green Financial Products and Services” của United Nations Environment Progamme Finance Initiative (2007) bao gồm các hoạt động cho vay thế chấp xanh, cho vay thiết bị gia đình xanh, cho vay xây dựng tòa nhà thương mại xanh, cho vay mua xe xanh, thẻ tín dụng xanh và tài trợ dự án xanh. Cho vay thế chấp xanh là những khoản vay với lãi suất thấp hơn hẳn so với thị trường được áp dụng cho những khách hàng mua những ngôi nhà dùng năng lượng xanh. Đối với các dự án xây tòa nhà thương mại có mức tiêu thụ năng lượng thấp hơn (khoảng 15% - 25%), giảm chất thải và ít ô nhiễm hơn so với các tòa nhà truyền thống, ngân hàng sẽ thiết kế và đưa ra các thỏa thuận vay hấp dẫn với sản phẩm cho vay xây dựng tòa nhà thương mại xanh. Tương tự, ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất ưu đãi khi cho vay mua thiết bị gia đình xanh (thiết bị công nghệ năng lượng tái tạo điện hoặc nhiệt) hoặc cho vay mua xe xanh – những chiếc xe có cường độ khí nhà kính thấp hoặc được tiết kiệm cao về nhiên liệu. Hoạt động tài trợ dự án xanh dành cho khách hàng doanh nghiệp, được ngân hàng thực hiện bằng cách tạo ra các nhóm dành riêng cho việc xem xét tài trợ các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch quy mô lớn, lập danh mục nợ cam kết tài trợ hoàn toàn hoặc một phần dự án. Ngoài ra, rủi ro liên quan đến môi trường, xã hội như lao động trẻ em, biến đổi khí hậu… sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để các ngân hàng xét đến khi thực hiện các khoản cho vay, tài trợ dự án của mình.

Hoạt động nội bộ xanh là các hoạt động vận hành bên trong ngân hàng, liên quan đến việc mở rộng mạng lưới, tự động hóa các công việc và những hoạt động hàng ngày khác. Các ngân hàng thực hiện mở rộng mạng lưới ngân hàng xanh sẽ sử dụng các tòa nhà, văn phòng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên ví dụ như những tòa nhà tận dụng ánh sáng tự nhiên, hạn chế sử dụng điều hòa…Các ngân hàng xanh cũng sẽ chú trọng giảm thiểu khí thải các bon và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên như sử dụng hệ thống máy ATM năng lượng mặt trời, khuyến khích sử dụng các công cụ giao tiếp, truyền thông, lưu trữ hiện đại nhằm hạn chế khối lượng lớn văn bản in ấn…

1.3 Ý nghĩa của ngân hàng xanh

Hệ thống tài chính ngân hàng, với vai trò cung ứng vốn cho các chủ thể trong nền kinh tế, sẽ tạo ra những tác động gián tiếp đến môi trường. Khi ngân hàng tăng cường quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cho vay sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng sạch hơn. Như vậy, hoạt động ngân hàng xanh sẽ góp phần nâng cao nhận thực của các chủ thể trong nền kinh tế về các vấn đề môi trường, xã hội, thúc đẩy họ thực hiện các hoạt động kinh doanh thân thiện môi trường, hỗ trợ cộng đồng. Một lợi ích khác không thể phủ nhận của ngân hàng xanh đối với khách hàng chính là việc được hưởng các mức lãi suất ưu đãi trong thời gian được tài trợ vốn. Bên cạnh đó, việc triển khai các dịch vụ trên nền công nghệ như internet banking, sms banking… giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, chi phí, hạn chế được rủi ro trong quá trình sử dụng tiền mặt.

Đứng ở góc độ ngân hàng, việc xem xét đến tiêu chí môi trường trong các quyết định cho vay sẽ giúp ngân hàng hạn chế được rủi ro tín dụng, rủi ro danh tiếng và rủi ro pháp lý. Đồng thời, việc triển khai và phát triển không ngừng các hoạt động của ngân hàng điện tử không những chỉ góp phần hạn chế sử dụng nguồn tài nguyên mà còn đáp ứng nhu cầu của khách hàng ngày càng cao của khách hàng, từ đó tăng khả năng thu hút khách hàng, tạo ra nhiều nguồn thu cho ngân hàng.

II.Thực trạng hoạt động ngân hàng xanh tại Việt Nam trong giai đoạn 2012 - 2015

2.1 Định hướng Chính phủ trong việc triển khai hoạt động ngân hàng xanh tại Việt Nam giai đoạn 2012 – 2015

Ngay từ năm 1992, tại Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về phát triển bền vững, Việt nam đã khẳng định phát triển bền vững là mục tiêu chiến lược quan trọng mà nước ta quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước đang tác động tiêu cực đến môi trường và tài nguyên nước ta trong thời gian qua. Báo cáo của Bộ Tài nguyên môi trường năm 2014 cho thấy kể từ năm 2010 cho đến nay lượng khí thải có xu hướng tăng mạnh và dự tính sẽ ở mức gần 800 triệu tấn CO2 khi đến năm 2030, tức gấp khoảng 3,7 lần so với năm 2010. Theo xếp hạng chỉ số EPI (Environment Performance Index) năm 2014, Việt Nam đứng thứ 136/178 quốc gia về hiệu quả môi trường. Những kết quả trên cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta ngày càng nghiêm trọng, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển lâu dài của nước ta. Trước tình hình đó, vào tháng 4/2012, “Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, Chính phủ định hướng phát triển bền vững giai đoạn này là duy trì tăng trưởng kinh tế, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch,  năng lượng tái tạo, đảm bảo phát triển kinh tế theo hướng các bon thấp, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đến tháng 9/2012, Thủ tướng tiếp tục phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh” với mục tiêu góp phần cải thiện đời sống nhân dân thông qua tạo việc làm trong các ngành công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh, dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên và phát triển cơ sở hạ tầng xanh.

Biểu đồ 1: Phát thải khí nhà kính năm 2010 và ước tính cho năm 2020, 2030

 Biểu đồ 1 thực trạng

Nguồn: Bộ Tài nguyên – Môi trường, 2014

Ngày 20/3/2014, “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020” được ban hành với nội dung gồm 12 nhóm hoạt động với 66 hoạt động cụ thể theo 4 chủ đề chính như sau: (1) Xây dựng thể chế quốc gia và kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; (2) giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; (3) Thực hiện xanh hóa sản xuất và (4) Thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững. Mục tiêu của chiến lược này là đến năm 2020, lượng phát thải các bon giảm từ 8 – 10% so với năm 2010 và là 20% với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đồng thời khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh, dựa trên công trình, công nghệ và thiết bị thân thiện với môi trường, lối sống xanh và tiêu dùng bền vững. Luật Bảo vệ môi trường được ban hành năm 2014 cũng cho thấy sự quan tâm của Đảng và Chính phủ về việc bảo vệ môi trường nhằm phát triển kinh tế bền vững. Luật quy định trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc triển khai    nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội, giảm phát thải khí nhà kính và các loại khí làm suy giảm tầng ozon, phát triển năng lượng tái tạo, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thân thiện môi trường, chuyển giao và ứng dụng công nghệ khoa học nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nền kinh tế tăng trưởng xanh.

Để thực hiện tăng trưởng xanh, bên cạnh nguồn ngân sách của Nhà nước và nguồn đầu tư nước ngoài, rất cần có sự tham gia của các ngân hàng thương mại để đáp ứng nguồn vốn hoạt động cho các chủ thể trong nền kinh tế. Ở góc độ là cơ quản quản lý hệ thống ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có những bước đầu trong việc xây dựng chính sách triển khai ngân hàng xanh. Ngân hàng Nhà nước đã hợp tác với IFC để xây dựng Bộ hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường xã hội cho các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Ngoài ra, chỉ thị 03/CT-NHNN, được ban hành vào tháng 3 năm 2015 về việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, cho thấy Ngân hàng Nhà nước đang thúc đẩy tăng tỉ trọng tín dụng xanh trong hệ thống ngân hàng.

Tóm lại, trong xu thế chung của thế giới, Việt Nam đang bước đầu nỗ lực thực hiện phát triển bền vững trên nền tảng tăng trưởng kinh tế xanh, bảo vệ môi trường. Những định hướng của Đảng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại triển khai thực hiện các hoạt động ngân hàng xanh trong giai đoạn vừa qua.

2.2 Thực trạng hoạt động ngân hàng xanh tại Việt Nam trong giai đoạn 2012 – 2015

Hoạt động tín dụng xanh mới chỉ bước đầu được một số các ngân hàng thương mại quan tâm triển khai bởi những lợi ích của việc trở thành ngân hàng xanh chưa thực sự rõ ràng. Cuộc khảo sát về tình hình nhận thức của các ngân hàng thương mại Việt Nam đối với quản lý rủi ro môi trường xã hội được thực hiện năm 2012 cho thấy có đến  80% ngân hàng thương mại không biết đến bất kì tài liệu hướng dẫn hay tiêu chí nào về quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong ngành tài chính và có đến 93% ngân hàng thương mại cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên có hướng dẫn về quản lý rủi ro môi trường.

Biểu đồ 2: Kết quả khảo sát về tình hình nhận thức của các ngân hàng thương mại Việt Nam đối với quản lý rủi ro môi trường, xã hội năm 2012

 2-bieudo2

Nguồn: Trung tâm con người và thiên nhiên, 2012

Trong hệ thống ngân hàng thương mại, 2 ngân hàng thương mại có hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội sớm nhất là Techcombank và Sacombank. Trong đó, Techcombank sử dụng bộ tiêu chuẩn về môi trường xã hội của IFC, còn Sacombank tự xây dựng chính sách quản lý của riêng mình dựa trên bộ tiêu chuẩn của IFC.

Ngân hàng Sacombank xây dựng hệ thống quản lý môi trường xã hội ESMS với sự hỗ trợ tư vấn của công ty PwC, dựa trên các chuẩn mực theo thông lệ quốc tế như Sáng kiến tài chính của Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc, Nguyên tắc Xích đạo (Equator Priciples) và các Tiêu chuẩn hoạt động của tập đoàn Tài chính quốc tế IFC đối với tất cả hoạt động cấp tín dụng dự án. Hệ thống ESMS bao gồm: (i) Chính sách môi trường và xã hội; (ii) Quy trình thẩm định tác động đến môi trường và xã hội; (iii) Bộ công cụ thẩm định tác động đến môi trường và xã hội. Dựa trên các câu hỏi của bộ công cụ thẩm định, nhân viên tín dụng sẽ đánh giá, phân loại rủi ro môi trường xã hội phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng mà Sacombank dự định tài trợ, góp phần quan trọng trước khi đưa ra quyết định cấp tín dụng. Sacombank cũng thành lập Nhóm chuyên trách ESMS để thực hiện tập huấn nhân sự trực tiếp thực hiện việc đánh giá và tham gia vào quá trình thẩm định, tác động đến môi trường và xã hội đối với khách hàng.

Khác với Sacombank, Techcombank triển khai hoạt động tín dụng xanh trên cơ sở các dự án hợp tacs với các tổ chức quốc tế. Ví dụ, Techcombank đã ký hợp đồng hợp tác tín dụng với IFC tài trợ các dự án tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. Theo đó, Techcombank và IFC sẽ tài trợ vốn cho các doanh nghiệp thay đổi trang thiết bị, nâng cấp công nghệ và hệ thống nhằm nâng cao hiệu quả tiết kiệm năng lượng, mở rộng sản xuất, cắt giảm chi phí, giảm lượng khí  thải. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn được các chuyên gia kỹ thuật của IFC đưa ra đánh giá về hiệu quả sử dụng năng lượng, tư vấn cách thức cải tiến, thay thế máy móc dây chuyền để có hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn và được tư vấn các đơn vị cung cấp thiết bị phù hợp. Ngoài ra, ngân hàng Techcombank cùng với ngân hàng ACB, VIB còn đóng vai trò hỗ trợ thẩm định tài chính và cung cấp tín dụng tại Quỹ  Ủy thác tín dụng xanh do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) thành lập. Mục đích hoạt động của quỹ là hỗ trợ tài chính cho các dự án đầu tư công nghệ sạch của doanh nghiệp trong nước, đồng thời, khuyến khích các khách hàng phát triển các sản phẩm đầu tư mang lại lợi ích môi trường dành cho cộng đồng.

Nếu hoạt động tín dụng xanh mới chỉ dừng lại ở bước đầu thì hoạt động nội bộ xanh  lại được các ngân hàng chú trọng phát triển trong giai đoạn vừa qua. Nếu năm 2012, tỷ lệ các ngân hàng triển khai dịch vụ ngân hàng điện tử mới chỉ đạt ở mức 92% thì đến năm 2014, tỷ lệ đạt mức tuyệt đối là 100%. Điều này giúp các ngân hàng hạn chế được lượng lớn nguồn tài nguyên sử dụng như giấy, nước, các thiết bị điều hòa…Bên cạnh đó, một số ngân hàng còn triển khai các chương trình chuyên biệt về ngân hàng xanh như ngân hàng Bưu điện Liên Việt, ngân hàng Sacombank. Cụ thể, năm 2012, ngân hàng Bưu điện Liên Việt triển khai chương trình Ngân hàng Xanh với mục đích đưa hoạt động bảo vệ môi trường trở thành hoạt động lâu dài, hướng đến sự phát triển bền vững. Chương trình bao gồm 3 hoạt động chính là: (1) xây dựng văn phòng xanh – phát động thi đua tiết kiệm điện, văn phòng phẩm, tiết giảm tài sản công cộng như nước, giấy vệ sinh, tạo không gian xanh sạch đẹp; (2) đổi giấy lấy cây xanh nhằm tái sử dụng giấy; (3) xây dựng quầy giao dịch xanh vì nụ cười khách hàng đem đến hình ảnh ngân hàng thân thiện, vui vẻ. Ngân hàng Sacombank trong năm 2013 đưa ra chủ trương về việc giảm thiểu tác động đến môi trường bằng cách kiểm soát chặt chẽ chi phí vận hành và sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có với các biện pháp như sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện, các thiết bị văn phòng có dán nhãn tiết kiệm năng lượng hoặc nhãn không khí thải các bon, vòi tiết kiệm nước, sử dụng các công cụ giao tiếp hiện  đại để hạn chế di chuyển… Kết quả ngân hàng này đã giảm được 12% chi phí điện, 14% chi phí xăng dầu, gần 30% chi phí di chuyển so với kế hoạch đầu năm đã đề ra.

2.3 Nhận xét chung về hoạt động ngân hàng xanh tại Việt Nam giai đoạn  2012 – 2015

2.3.1 Kết quả đạt được

Chính phủ và các cơ quan quản lý đã có những văn bản pháp lý, hướng dẫn cụ thể nhằm đẩy mạnh việc thực hiện tăng trưởng xanh, trong đó có hoạt động ngân hàng xanh. Điều này góp phần thúc đẩy các ngân hàng thương mại quan tâm nhiều hơn đến hoạt động ngân hàng xanh ở cả hai mặt là tín dụng xanh và nội bộ xanh. Trong đó,  hoạt động tín dụng xanh đã được một số ngân hàng triển khai và đạt được một số kết quả bước đầu như Sacombank với hệ thống quản lý rủi ro môi trường hay Techcombank đã thực hiện tài trợ một số dự án về tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hoạt động nội bộ xanh đã được các ngân hàng chú trọng thực hiện với việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giảm thiểu việc sử dụng giấy, sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng như hệ thống chiếu sáng, điều hòa, máy in, xây dựng không gian xanh.

2.3.2 Một số hạn chế

Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng việc triển khai thực hiện ngân hàng xanh tại các ngân hàng thương mại Việt Nam còn nhiều hạn chế. Mặc dù đã ban hành một số văn bản hướng dẫn nhưng các quy định vẫn còn chung chung, chưa rõ ràng, cụ thể. Hoạt động ngân hàng xanh còn ít ngân hàng triển khai và chưa có ngân hàng nào định hướng theo mô hình ngân hàng xanh. Nguyên nhân là do các ngân hàng cho rằng sẽ mất đi lượng lớn lợi nhuận do việc thẩm định tín dụng sẽ bị siết chặt hơn khi xét đến yếu tố môi trường xã hội. Các sản phẩm dịch vụ ngân hàng xanh tại Việt Nam còn chưa cụ thể và chưa được thực hiện thường xuyên. Những sản phẩm đã được triển khai mới chỉ dừng lại ở mức độ là các chương trình ngắn hạn để thể hiện trách nhiệm xã hội của ngân hàng. Các sản phẩm tín dụng xanh trên thế giới như cho vay mua nhà xanh, cho vay mua xe xanh vẫn chưa thấy xuất hiện tại Việt Nam.

III. Một số kiến nghị phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam

Để phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam trong thời gian tới, đầu tiên, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần hợp tác với các tổ chức quốc tế cũng như các nước có kinh nghiệm để xây dựng chính sách môi trường chung nhằm giúp các ngân hàng thương mại có cơ sở để dần trở nên thân thiện với môi trường hơn, tạo điều kiện cho sự xuất hiện của ngân hàng xanh tại Việt Nam. Sau khi có những hướng dẫn cụ thể từ cơ quan quản lý, bản thân các ngân hàng thương mại có thể thực hiện lộ trình 2 giai đoạn để triển khai ngân hàng xanh: (1) giai đoạn 1 xây dựng chiến lược phát triển ngân hàng xanh, thành lập bộ phận chuyên trách ngân hàng xanh, chú trọng quả lý rủi ro môi trường xã hội trong các hoạt động, bước đầu triển khai các hoạt động nội bộ xanh; (2) giai đoạn 2 cụ thể hóa chính sách ngân hàng xanh trên từng lĩnh vực, phát triển các sản phẩm, dịch vụ xanh, hướng đến mục tiêu ngân hàng xanh toàn diện và báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Do những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng xanh còn khá mới mẻ ở thị trường Việt Nam nên các ngân hàng bên cạnh việc đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, cần chú trọng hoạt động marketing những sản phẩm mới này. Điều này không những nhằm quảng bá sản phẩm mà còn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người  dân trong việc lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Tóm lại, hoạt động ngân hàng xanh mới chỉ bước đầu được triển khai ở Việt Nam. Để góp phần tích cực vào quá trình thực hiện tăng trưởng xanh, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam cần có những hướng dẫn cụ thể hơn từ cơ quan quản lý, đồng thời cần chủ động đưa ra chiến lược phát triển ngân hàng xanh, đẩy mạnh triển khai  các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng xanh đến công chúng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Hữu Huân (2014), “Xây dựng ngân hàng xanh tại Việt Nam”, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, 14(24), 4-9.

2. Thái Hằng (2014), “Yếu tố then chốt để “ngân hàng xanh” phát triển bền  vững”, Tạp chí Tài chính

3.Huy Thắng (2013), “Để tín dụng ngân hàng hướng tới tăng trưởng xanh”, truy cập http://baodientu.chinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/De-tin-dung-ngan-hang- huong-toi-tang-truong-xanh/171840.vgp, truy cập ngày 15/05/2016

4. Bộ Tài nguyên – môi trường (2014), Báo cáo cập nhật hai năm một lần – lần  thứ nhất của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu

5. Trung tâm con người và thiên nhiên (2012), Bản tin chính sách quý III/2012: “Xanh hóa ngành ngân hàng: áp dụng chuẩn mực bắt buộc hay khuyến khích tham gia tự nguyện”

6. Bahl Sarita (2012). "Role of Green Banking in Sustainable Growth", International Journal of Marketing, Financial Services and Management Research, 1(2), 27-35

7. Millat K. M (2012), Green Banking Activities, Banking Regulation and Policy Department Bangladesh Bank

CÁC CƠ SỞ THUỘC TRUNG TÂM

- Q3: Tư vấn học online, SĐT: (028) 6659 2738
- TB: 544 Cách Mạng Tháng 8 , phường 4, quận Tân Bình
- TĐ: 281A Võ Văn Ngân, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức
- BH: 02 Lê Quý Đôn, phường Tân Hiệp, Biên Hòa, Đồng Nai (Đối diện ĐH Đồng Nai)

LIÊN HỆ

  • Hotline: 0909 493 140

KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI

Kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội