Đăng ký khóa học

Giảm 10% khi đăng ký  học trực tiếp trước ngày khai giảng. Giảm 20% khi đăng ký học online trước ngày khai giảng tại Quận 3, Tân Bình. Giảm 30% cho nhóm đăng ký 5 người trờ lên.

 

ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2014 – 2020

3-bd2ThS. Nguyễn Thị Minh Châu Khoa Ngân hàng

TÓM TẮT:
Trong gần 30 năm đổi mới nền kinh tế (1986 – 2014), nền kinh tế Việt Nam đã đạt được thành công nhất định, thể hiện qua việc nước ta đã thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển. Một trong những nguyên nhân đạt đến thành công này chính là việc lựa chọn mô hình tăng trưởng kinh tế phù hợp với bối cảnh kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, được đánh dấu bằng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, nền kinh tế nước ta đã bắt đầu bộc lộ những dấu hiệu bất ổn, đòi hỏi phải có sự thay đổi để phát triển bền vững. Đứng trước tình hình đó, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã chỉ rõ cần phải thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở đánh giá những ưu nhược điểm của mô hình tăng trưởng kinh tế hiện tại, tác giả đề xuất mô hình tăng trưởng kinh tế mới cũng như những giải pháp phù hợp để áp dụng mô hình kinh tế mới trong giai đoạn 2014 – 2020.
TỪ KHÓA: Mô hình tăng trưởng kinh tế, tái cấu trúc, tăng trưởng bền vững

 I. MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Mô hình tăng trưởng (MHTT) có thể hiểu là cách thức tổ chức huy động và sử dụng các nguồn lực để đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế qua các năm với tốc độ hợp lý. MHTT bao gồm các thành tố sau:
- Động lực tăng trưởng: Có nhiều động lực khác nhau để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Dựa trên những yếu tố tác động đến GDP, tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu công và xuất khẩu được xem là những động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Các động lực tăng trưởng kinh tế này có các đặc điểm sau: (1) bổ trợ lẫn nhau: một số động lực hỗ trợ cho các động lực khác phát huy; (2) triệt tiêu lẫn nhau: khi động lực này vượt trội so với các động lực khác, nó có thể ảnh hưởng xấu đến các động lực khác; (3) tính giai đoạn và hữu hạn: động lực nào trở thành yếu tố then chốt sẽ phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế. Đồng thời, động lực tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc vào đặc thù của quốc gia - cơ sở lợi thế so sánh của quốc gia đó và xu thế quốc tế.
- Các nhân tố đầu vào: Để tăng trưởng kinh tế, các động lực kinh tế cần phải có sự hỗ trợ của các nhân tố đầu vào cơ bản gồm vốn, lao động, tài nguyên và công nghệ. Ở góc độ của mỗi quốc gia, việc gia tăng số lượng các nhân tố đầu vào để thúc đẩy kinh tế phát triển được gọi là tăng trưởng theo chiều rộng. Khi tăng trưởng kinh tế dựa trên việc hợp lý hóa và tăng năng suất, hiệu quả được gọi là tăng trưởng theo chiều sâu. Kinh nghiệm phát triển của các quốc gia trên thế giới cho thấy, muốn phát triển bền vững, các quốc gia không thể chỉ dựa vào phát triển theo chiều rộng mà cần phải có những bước chuyển đổi theo chiều sâu kịp thời, hợp lý. Đồng thời, quá trình hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay đang thúc đẩy các nhân tố đầu vào như vốn, lao động, hàng hóa, công nghệ dịch chuyển giữa các quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển. Quá trình này tạo điều kiện cho các quốc gia trên thế giới bổ sung các nhân tố đầu vào cơ bản còn thiếu kết hợp với những lợi thế sẵn có để đạt đạt được mức độ phát triển cao hơn, nhanh hơn khi đứng độc lập trên thị trường toàn cầu.
- Cơ chế quản lý: Nhà nước đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển. Cụ thể, Nhà nước là người điều tiết các chính sách quản lý vĩ mô như chính sách tài khóa, chính sách mở của hội nhập, chính sách phát triển các ngành kinh tế…Song song với đó, Nhà nước phải kiểm soát, xây dựng một khuôn khổ pháp lý cũng như các chế tài để các chủ thể trong nền kinh tế vừa hoạt động hiệu quả vừa đảm bảo sự tuân thủ. Nếu như động lực tăng trưởng và các nhân tố đầu vào là các thành tố sẵn có thì cơ chế quản lý lại đóng vai trò là thành tốt “chủ động” trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển. Điều này được thể hiện rõ qua tính tự quyết cao của Nhà nước cũng như tác động lan tỏa và những thay đổi trong cơ chế, chính sách do Nhà nước thực hiện thường có tác động lan tỏa và khó dự đoán trước. Vì vậy, trước khi thay đổi cơ chế quản lý, Nhà nước cần phải nghiên cứu thận trọng, xem xét tổng thể mối quan hệ giữa các thành phần kinh tế và phải có tầm nhìn dài hạn để thúc đẩy các động lực và phát triển các nhân tố đầu vào nhằm tăng trưởng kinh tế bền vững. Một trong những công cụ giúp Nhà nước điều hành nền kinh tế chính là pháp luật. Một khuôn khổ pháp lý đúng đắn, đồng bộ, nhất quán sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của nền kinh tế.
Nhìn chung, mỗi MHTT đều có những đặc điểm riêng, tùy thuộc vào tình hình thực tiễn của mỗi quốc gia, cũng như mối quan hệ giữa quốc gia đó với thế giới và phụ thuộc rất lớn vào ý chí lãnh đạo của mỗi nước.

II. ĐẶC ĐIỂM MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1998 – 2013

2.1 Nền kinh tế Việt Nam phát triển theo chiều rộng
Trong khoảng 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế. Để đạt được những kết quả đó, nước ta đã lựa chọn phát triển theo chiều rộng – tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn, lao động và tài nguyên là chính. Trong đó:
- Về vốn: Trong giai đoạn vừa qua, vốn có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam. Tỷ trọng vốn đầu tư cho phát triển kinh tế Việt Nam liên tục tăng qua các năm, thể hiện qua tỷ lệ đầu tư so với GDP. Biểu đồ 1 cho thấy tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP tăng dần trong giai đoạn 2000 – 2007, với mốc cao nhất vào năm 2007 là 46.5% và sau đó giảm dần đến năm 2013 chỉ còn lại 30.4%. Đồng thời, tỷ trọng đóng góp của vốn vào tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong giai đoạn 1998
– 2013 chiếm 56.65%.
- Về lao động: Một trong những lợi thế của Việt Nam là có nguồn lao dộng dồi dào, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển. Nếu năm 1991, nước ta chỉ có khoảng 28.79 triệu lao động thì đến năm 2013 có đến hơn 53 triệu lao động. Sự đóng góp của yếu tố lao động trong giai đoạn 1998 – 2013 vào tăng trưởng GDP chiếm 21.13%. Điều này phần nào phản ánh được tầm quan trọng của lao động trong việc phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn vừa qua.

Biểu đồ 2.1: Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP của Việt Nam giai đoạn 2000 – 2013

Biểu đồ 2.1: Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP của Việt Nam giai đoạn 2000 – 2013

Nguồn: Tổng cục Thống kê


- Trong các yếu tố cầu thành GDP, yếu tố năng suất tổng hợp của Việt Nam chiếm khá thấp chỉ khoảng 22%. Trong khi đó, yếu tố này của Hàn Quốc là 51.32%, Malaysia là 36.18%, Thái Lan là 36.14%.


Bảng 1: Đóng góp của các yếu tố vào GDP (%)

 

 

1998 – 2002

2003 – 2009

2010 - 2013

1998 – 2013

Đóng góp của L

20.00

19.07

24.31

21.13

Đóng góp của K

57.42

52.73

59.81

56.65

Đóng góp của TFP

22.58

28.20

15.88

22.22

Tỷ lệ GDP

100

100

100

100

 

Nguồn: Tổng cục Thống kê và tính toán của tác giả

 

2.2 Nền kinh tế Việt Nam có chất lượng tăng trưởng thấp
Việc phát triển kinh tế theo chiều rộng giúp nước ta đạt được tốc độ tăng trưởng khái cao trong giai đoạn 2000 – 2007, thoát nghèo, vươn lên trở thành một nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, từ sau năm 2008 đến nay, nền kinh tế bắt đầu xuất hiện dấu hiệu bất ổn khi tốc độ tăng trưởng chững lại, tỷ lệ lạm phát tăng cao…

Biểu đồ 2: Tốc độ tăng trưởng GDP và lạm phát của Việt Nam giai đoạn 2000 - 2013

Biểu đồ 2: Tốc độ tăng trưởng GDP và lạm phát

Nguồn: Tổng cục Thống kê


Ngoài nguyên nhân khách quan do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, bản thân nước ta cũng còn tồn tại nhiều hạn chế như sau:
- Hiệu quả sử dụng vốn còn thấp: mặc dù tăng trưởng nước ta phụ thuộc khá nhiều vào vốn nhưng hiệu quả sử dụng vốn của nước ta còn ở mức thấp. Chỉ số ICOR là chỉ số cho biết muốn có thêm một đơn vị sản lượng trong một thời kỳ nhất định cần phải bỏ ra thêm bao nhiêu đơn vị vốn đầu tư cho kì đó. ICOR càng cao thì chứng tỏ hiệu quả càng thấp. Theo tiêu chuẩn thế giới, chỉ số ở mức 3 là đầu tư có hiệu quả và nên kinh tế phát triển bền vững. Nhìn vào bảng ICOR, ta có thể thấy mặc dù hiệu quả đầu tư vốn đang có dấu hiệu tăng dần khi ICOR giảm dần trong giai đoạn 2009 – 2013 nhưng vẫn còn cao so với tiêu chuẩn của thế giới, chứng tỏ hiệu quả sử dụng vốn nước ta vẫn còn thấp và thiếu bền vững.

Biểu đồ 3: Chỉ số ICOR của Việt Nam giai đoạn 2001 - 2013

Biểu đồ 3: Chỉ số ICOR của Việt Nam giai đoạn 2001 - 2013

Nguồn: Báo mới (số liệu 2001 – 2008), tuanvietnam.net (số liệu 2009 – 2013)

 

- Năng suất lao động còn thấp: Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nếu như thời kỳ đầu đổi mới ở giai đoạn 2002 – 2007, năng suất lao động xã hội nước ta tăng bình quân hàng năm ở mức 5.2% thì kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, tốc độ tăng năng suất trung bình hàng năm nước ta chỉ còn lại 3.3%. Cũng theo tổ chức này, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật 11 lần và chỉ bằng 1/5 so với Malaysia, 2/5 so với Thái Lan.
- Năng lực cạnh tranh quốc gia còn kém: Mặc dù được tăng 5 bậc lên vị trí 70/148 quốc gia nhưng theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), nền tảng kinh tế Việt Nam còn khá mong manh, thể hiện qua một số chỉ tiêu như hiệu quả thị trường lao động, mức độ phát triển thị trường tài chính hay trình độ khoa học công nghệ còn thấp. Nếu dựa trên GDP bình quân đầu người thì Việt Nam mới chỉ được xếp ở giai đoạn đầu tiên – giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào nguồn lực. Ngoài ra, năng lực quản trị vĩ mô cũng như chất lượng thể chế, chính sách theo nguyên tắc thị trường đang là một trong những nhân tố cản trở năng lực cạnh tranh của nước ta. Nguyên nhân là do các chính sách đưa ra chủ yếu tập trung giải quyết các vấn đề bất ổn vĩ mô trong ngắn hạn, thiếu chiến lược dài hạn. Các giải pháp điều hành còn mang nặng tính hành chính hơn là tính thị trường. Điều này làm cho chỉ số chất lượng thể chế, chính sách của Việt Nam còn ở mức thấp so với khu vực và hầu như không có thay đổi.

Biểu đồ 4: Chất lượng thể chế Việt Nam

Biểu đồ 4: Chất lượng thể chế Việt Nam

- Quá trình dịch chuyển cơ cấu còn chậm chạp, thiếu đồng bộ: Trong gần 30 năm thực hiện đổi mới kinh tế, cơ cấu kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ trọng đối với ngành nông nghiệp, gia tăng tỷ trọng đối với những ngày công nghiệp, dịch vụ. Mặc dù vậy, tốc độ dịch chuyển vẫn còn khá chậm. Năm 2013, cơ cấu GDP dịch chuyển theo hướng tỷ trọng nhóm ngày nông, lâm nghiệp giảm từ 19.67% xuống còn 18.39%, tỷ trọng 2 nhóm ngành công nghiệp- xây dựng và dịch vụ tăng lên từ 80.33% lên 81.61%. Cơ cấu đầu tư cũng thay đổi theo xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành nhưng vấn đề đáng nói là ở đây mức độ đầu tư cho nông nghiệp chưa thực sự tương xứng với lợi thế ngành nông nghiệp mang lại trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngoài ra, Việt Nam đã đa dạng hóa các thành phần kinh tế theo xu hướng giảm tỷ trọng thành phần kinh tế quốc dân và tăng dần tỷ trọng của các thành phần kinh tế ngoài quốc dân cũng như thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các thành phần kinh tế vẫn chưa khai thác hết tiềm năng do hạn chế trong mặt bằng cạnh tranh công bằng cũng như sự liên kết hợp tác giữa các thành phần kinh tế.

- Các vấn đề xã hội, môi trường còn nhiều bất cập: Muốn nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững, ngoài việc tập trung vào những vấn đề thuộc về kinh tế, những vấn đề về xã hội, môi trường cũng cần phải được chú trọng. Nhờ phát triển theo chiều rộng, thu nhập bình quân đầu người nước ta đã tăng lên, tỷ lệ xóa đói giảm nghèo ngày càng cao làm cho tỷ lệ hộ nghèo nước ta giảm xuống chỉ còn 7.6%. Tuy nhiên, mức độ chênh lệch giàu nghèo của nước ta vẫn còn cao, đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn thấp. Bên cạnh đó, do khai thác tài nguyên thiên nhiên quá nhiều, quá chú trọng đến phát triển kinh tế mà thiếu quan tâm đến môi trường nên môi trường sinh thái đang bị hủy hoại, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Với việc tồn tại những bất cập trong mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, kết hợp với các yếu tố đầu vào là vốn, lao động cũng như tài nguyên luôn có giới hạn nhất định, do đó, muốn phát triển bền vững trong tương lai, nước ta cần thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.


III. ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ MỚI TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2014 – 2020

Theo nhận định của GS. M.Porter, “mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã đạt tới đỉnh. Nếu Việt Nam tiếp tục tăng trưởng dựa vào mở rộng quy mô vốn, sử dụng nguồn nhân công giá rẻ với tay nghề thấp và giá trị gia tăng trong hàng hóa xuất khẩu thấp sẽ dẫn tới không thể cạnh tranh và nền kinh tế sẽ gặp nhiều rủi ro vĩ mô trong tương lai”. Điều này dẫn đến một tất yếu là nước ta phải thay đổi MHTT mới với những đặc điểm sau:
- Phát triển kinh tế theo chiều sâu: Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào 3 yếu tố là vốn, lao động và năng suất nhân tố tổng hợp (TFP). Tăng trưởng kinh tế nước ta trong giai đoạn vừa qua chủ yếu phụ thuộc vào vốn, lao động, trong khi năng suất nhân tố tổng hợp còn đóng góp khá thấp khi chỉ dừng lại ở mức khoảng 22%. Vì vậy, trong thời gian tới, muốn phát triển kinh tế theo chiều sâu, tỷ lệ đóng góp của TFP vào GDP cần phải được nâng cao. Theo chiến lược phát triển kinh tế của Chính phủ, mục tiêu tỷ trọng của nhân tố TFP phải đạt 21 – 32% vào năm 2015 và 35% vào năm 2020.

- MHTT mới phải đảm bảo chất lượng của sự tăng trưởng và hướng đến sự bền vững. Cụ thể, MHTT mới phải đạt hiệu quả sản xuất cao, cơ cấu kinh tế hợp lý, ổn định, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế ở mức cao và các vấn đề xã hội, môi trường được giải quyết. Tính bền vững của MHTT mới thể hiện qua duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, kiểm soát được lạm phát, chủ động trong việc đối phó với những ảnh hưởng tiêu cực từ nèn kinh tế thế giới…
Dưới góc độ nghiên cứu, tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm chuyển đổi từ MHTT theo chiều rộng sang MHTT tăng trưởng theo chiều sâu, bền vững:
Thứ nhất, giải pháp liên quan đến việc nâng cao năng suất tổng hợp: muốn nâng cao năng suất tổng hợp, phải tăng hiệu quả sử dụng vốn, lao động và thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất.
Đầu tiên, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn thông qua việc xây dựng chiến lược đầu tư có chọn lọc, tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí lớn. Đồng thời, tiến hành tổ chức đấu thầu các dự án lớn và nâng cao chất lượng của các khâu thẩm định, xét duyệt dự án. Chú trọng cho những dự án có sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường và đạt hiệu quả kinh tế cao. Tránh các hiện tượng lãng phí, thất thoát vốn của Nhà nước trong các vụ án kinh tế lớn đã xảy ra như Vinashin, Vinalines…

Ngoài vốn, nâng cao năng suất lao động cũng cần phải được chú trọng bởi đây là yếu tố thể hiện nội lực của quốc gia. Muốn nâng cao năng suất lao động cần phải nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho người lao động thông qua nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Theo khuyến nghị của WB, Việt Nam cần thực thi chiến lược tổng thể để xây dựng kỹ năng cho người lao động, bao gồm: (1) tăng cường khả năng sẵn sàng đi học thông qua phát triển giáo dục mầm non; (2) xây dựng nền tảng nhận thức và hành vi trong giáo dục phổ thông; (3) phát triển kỹ năng kỹ thuật qua sự liên kết giữa người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo nghề. Đồng thời, Nhà nước cần phải có những chính sách phù hợp để thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành công nghiệp, dịch vụ. Kết hợp với việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và năng suất lao động, nước ta cần phải chú trọng nâng cao trình độ công nghệ. Tỷ trọng các ngành sử dụng công nghệ cao chỉ chiếm 12 - 13%, ngành sử dụng công nghệ trung bình khoảng 10%, ngành công nghệ thấp chiếm trên 60%, trong khi các quốc gia khác trong khu vực đều có các ngành công nghệ trung và cao chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu xuất khẩu. Điều này phản ánh sự tụt hậu khá xa của Việt Nam so với các nước khác về năng lực cạnh tranh công nghệ. Vì vậy, cần phải có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới, tạo ra nhiều giá trị gia tăng khi sử dụng. Thêm vào đó, Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích sự liên kết giữa các doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước để học hỏi công nghệ mới.

Thứ hai, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Những yếu tố cản trở năng lực cạnh tranh của Việt Nam gồm bộ máy quản lý kém hiệu quả, tham nhũng, thiếu hạ tầng kỹ thuật, thiếu lao động có kỹ năng và khả năng tiếp cận tài chính còn kém. Vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau. Ngoài nâng cao năng suất lao động, nước ta cần tinh giảm bộ máy quản lý, có biện pháp cứng rắn để loại trừ tình trạng tham nhũng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Thứ ba, thực hiện chuyển dịch cơ cấu nhanh, toàn diện, hợp lý và gắn với tái cấu trúc nền kinh tế. Để phát triển theo chiều sâu, chúng ta cần tận dụng lợi thế so sánh của quốc gia, vì vậy, cần phải chú trọng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nhằm nâng cao sản lượng cũng như chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp, tập trung phát triển theo hướng xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Đồng thời, cần xác định lại mũi nhọn ngành công nghiệp, tránh đầu tư dàn trải vào những ngành công nghiệp không phải là lợi thế cạnh tranh của nước ta. Đồng thời, cần nâng cao hơn nữa tỷ trọng đóng góp của nhóm ngành dịch vụ vào GDP trong thời gian tới như tăng nguồn thu từ dịch vụ du lịch…Đối với việc dịch chuyển các thành phần kinh tế, nước ta cần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước để giảm tỷ trọng thành phần doanh nghiệp Nhà nước, tăng tỷ trọng các thành phần kinh tế ngoài nhà nước.

Thứ 4, giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường: Giải quyết vấn đề xã hội trước hết cần phải giải quyết công ăn việc làm cho người dân, giảm dần tỷ lệ thát nghiệp thông qua việc phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp ngoài quốc doanh, khôi phục các làng nghề truyền thoogns ở nông thôn, phát triển các ngành dịch vụ để thu hút lao động. Đồng thời, Nhà nước hoàn thiện các quy định về hệ thống thù lao, bảo hiểm, trợ cấp… nhằm làm giảm chênh lệch giàu nghèo trong xã hội. Nếu thực hiện được những giải pháp này, các tệ nạn xã hội sẽ được kiểm soát, xã hội sẽ trở nên ổn định hơn. Về yếu tố môi trường, cần chú trọng đối với những dự án xanh, thân thiện với môi trường. Nhà nước cần ban hành những quy định đến việc tăng chi phí để ngăn ngừa và xử lý môi trường, nghiêm cấm việc sử dụng các công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

Cuối cùng, nâng cao hiệu quả lãnh đạo của các cơ quan quản lý. Kể từ khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta đã xác định phải thay đổi MHTT. Muốn đạt được điều này, bản thân Chính phủ cần phải sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành như chính sách tài khóa, chính sách đối ngoại, chính sách tiền tệ… Tránh việc điều hành mang tính chất ngắn hạn, cần xây dựng những chính sách dài hạn, cũng như hạn chế sử dụng mệnh lệnh hành chính vào điều hành thị trường.
Nói tóm lại, với những hạn chế còn tồn tại trong MHTT hiện nay, việc đổi mới MHTT trở thành một vấn đề tất yếu và cấp thiết của Việt Nam trong giai đoạn 2014 – 2020. Để có thể thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bền vững, nước ta cần thay đổi sang MHTT theo chiều sâu, thực hiện đồng loạt các biện pháp để nâng cao hiệu quả năng suất tổng hợp, tăng khả năng cạnh tranh quốc gia trên thế giới cũng như thực hiện chuyển dịch cơ cấu, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường và nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Chính phủ./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Phi Lân, “Bàn về mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam: giai đoạn 2011 – 2020”, Tạp chí Ngân hàng, số 13 tháng 7/2010
2. Nguyễn Cao Đức, “Đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt nam giai đoạn 2011 – 2020”, Nghiên cứu kinh tế số 411, tháng 8/2012
3. Nguyễn Công Mỹ, “Lựa chọn mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020”, Nghiên cứu kinh tế, số 45, Tháng 1+2/2011
4. Trần Du Lịch, “Tiến trình tái cơ cấu và chuyển dổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam”, Tạp chí Phát triển kinh tế, số 267, tháng 1/2013
5. Hoàng Thị Chỉnh, “Nhìn lại mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt nam giai đoạn 1991 – 2010 và những vấn đề đặt ra”, Tạp chí Phát triển kinh tế, số 255, tháng 1/2012
6. Nguyễn Tú Anh, “Chất lượng thể chế đang ở đâu?”
7. PGS.TS Nguyễn Chí Hải, “Nâng cao năng lực cạnh tranh – Nhiệm vụ “sống còn””
8. V.V.Thành, “Chỉ số năng lực cạnh tranh: Thế giới xếp hạng Việt Nam rất thấp”.
9. Thanh Tâm, “Năng suất lao động Việt Nam thấp hơn 15 lần so với Singapore”.
10. Quang Minh, “Cấp thiết thay đổi để phát triển”

 

CÁC CƠ SỞ THUỘC TRUNG TÂM

- Q3: Tư vấn học online, SĐT: (028) 6659 2738
- TB: 544 Cách Mạng Tháng 8 , phường 4, quận Tân Bình
- TĐ: 281A Võ Văn Ngân, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức
- BH: 02 Lê Quý Đôn, phường Tân Hiệp, Biên Hòa, Đồng Nai (Đối diện ĐH Đồng Nai)

LIÊN HỆ

  • Hotline: 0909 493 140

KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI

Kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội