Đăng ký khóa học

Giảm 20% khi đăng ký học trước ngày khai giảng. Giảm 30% cho nhóm đăng ký 5 người trờ lên.

 

Phương pháp nhận dạng các khoản chênh lệch tạm thời

Phương pháp xác định chênh lệchPHƯƠNG PHÁP NHẬN DẠNG CÁC KHOẢN “CHÊNH LỆCH TẠM THỜI” KHI XÁC ĐỊNH THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP HOÃN LẠI

TS. Bùi Công khánh

Khi Luật kế toán được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2004, kèm theo đó Bộ Tài Chính đã ban hành Quyết định 12/2005/QĐ-BTC ngày 15/2/2005 công bố nội dung Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 17 “Thuế thu nhập doanh nghiệp” (VAS-17), Thông tư số 20/2006/TT-BTC ngày 20/03/2006 hướng dẫn chi tiết nội dung kế toán của VAS-17 và Quyết định 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/03/2006 về chế độ kế toán doanh nghiệp đã tạo hành lang pháp lý cho công tác kế toán về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trở nên hoàn thiện hơn.

Khi đó, việc xác định số thuế TNDN để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ với Ngân sách nhà nước được thực hiện theo Luật thuế TNDN còn việc kế toán ghi nhận và trình bày thông tin về thuế TNDN trên báo cáo tài chính được thực hiện theo khuôn khổ pháp lý nêu trên. Tuy nhiên, giữa cơ sở pháp lý qui định cho kế toán trong việc ghi nhận doanh thu, chi phí trên sổ kế toán và những qui định về ghi nhận doanh thu, chi phí để xác định thu nhập tính thuế theo Luật thuế TNDN có những khác biệt nhất định. Chính vì vậy, giữa lợi nhuận kế toán trước thuế và Thu nhập tính thuế TNDN của năm tài chính sẽ có phát sinh chênh lệch. Khoản chênh lệch này được chia làm 2 loại: “Chênh lệch tạm thời” và “Chênh lệch vĩnh viễn”.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin đưa ra phương pháp nhận dạng các khoản “Chênh lệch tạm thời” nhằm giúp người làm kế toán tại doanh nghiệp nhận dạng các khoản chênh lệch này thuận lợi và dễ dàng hơn.


1. Hướng dẫn việc xác định các khoản chênh lệch tạm thời và chênh lệch vĩnh viễn theo qui định hiện hành:
Theo Thông tư số 20/2006/TT-BTC ngày 20/03/2006 hướng dẫn việc nhận dạng và xác định các khoản chênh lệch này như sau:
a/ Nhận dạng các khoản chênh lệch:
- Các khoản chênh lệch tạm thời: là chênh lệch phát sinh do sự khác biệt về thời điểm doanh nghiệp ghi nhận thu nhập hoặc chi phí và thời điểm pháp luật về thuế quy định tính thu nhập chịu thuế hoặc chi phí được khấu trừ khỏi thu nhập chịu thuế.
- Các khoản chênh lệch vĩnh viễn: là chênh lệch giữa lợi nhuận kế toán và thu nhập chịu thuế phát sinh từ các khoản doanh thu, thu nhập khác, chi phí được ghi nhận vào lợi nhuận kế toán nhưng lại không được tính vào thu nhập, chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.


b/ Xác định các khoản chênh lệch:
* Xác định “Chênh lệch tạm thời chịu thuế”
- Chênh lệch tạm thời chịu thuế: Là các khoản chênh lệch tạm thời làm phát sinh thu nhập chịu thuế khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trong tương lai khi giá trị ghi sổ của các khoản mục tài sản hoặc nợ phải trả liên quan được thu hồi hay được thanh toán. Chênh lệch tạm thời chịu thuế phát sinh khi:
+ Giá trị ghi sổ của tài sản lớn hơn cơ sở tính thuế của tài sản đó;
+ Giá trị ghi sổ của nợ phải trả nhỏ hơn cơ sở tính thuế của nó.
- Xác định giá trị các khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế:
+ Đối với tài sản: Chênh lệch tạm thời chịu thuế là chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của tài sản lớn hơn cơ sở tính thuế của tài sản đó.
+ Đối với nợ phải trả: Chênh lệch tạm thời chịu thuế là chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của khoản nợ phải trả nhỏ hơn cơ sở tính thuế của khoản nợ phải trả đó.
* Xác định các khoản “Chênh lệch tạm thời được khấu trừ”
- Chênh lệch tạm thời được khấu trừ: Là các khoản chênh lệch tạm thời làm phát sinh các khoản được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trong tương lai khi giá trị ghi sổ của các tài sản hoặc nợ phải trả liên quan được thu hồi hay được thanh toán. Chênh lệch tạm thời được khấu trừ phát sinh khi:
+ Giá trị ghi sổ của tài sản nhỏ hơn cơ sở tính thuế của tài sản đó;
+ Giá trị ghi sổ của nợ phải trả lớn hơn cơ sở tính thuế của nó.
- Xác định giá trị các khoản chênh lệch tạm thời được khấu trừ:
+ Đối với tài sản: Chênh lệch tạm thời được khấu trừ là chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của tài sản nhỏ hơn cơ sở tính thuế của tài sản đó.
+ Đối với nợ phải trả: Chênh lệch tạm thời được khấu trừ là chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của khoản nợ phải trả lớn hơn cơ sở tính thuế của khoản nợ phải trả đó.


2. Đề xuất phương pháp nhận dạng các khoản chênh lệch tạm thời
Tuy nhiên trong quá trình nhận dạng các khoản “chênh lệch” theo Thông tư số 20/2006/TT-BTC ngày 20/03/2006 của Bộ Tài Chính mang tính trừu tượng làm cho người làm kế toán tại doanh nghiệp khó nhận dạng đâu là chênh lệch tạm thời chịu thuế và chênh lệch tạm thời được khấu trừ để phản ánh và trình bày trên báo cáo tài chính trung thực và hợp lý hơn.
Tác giả xin đề xuất phương pháp nhận dạng các khoản chênh lệch này dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh và nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp như sau:
+ Theo Luật kế toán, chuẩn mực kế toán (Quan điểm của kế toán):
Kết quả kinh doanh trong một năm tài chính của doanh nghiệp được xác định như sau:

Xác định kết quả kinh doanh
+ Theo qui định của Luật thuế TNDN (Quan điểm của Thuế):
Nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp được xác định như sau:

Xác định thuế TNDN


+ Phương pháp nhận dạng các khoản chênh lệch:
a/ Phương pháp nhận dạng theo định tính (theo ý nghĩa kinh tế):
- Khi nghiệp vụ kinh tế phát sinh làm cho nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp năm hiện tại gánh nặng hơn so với các năm trong tương lai: Đây là khoản “Chênh lệch tạm thời được khấu trừ”.
- Khi nghiệp vụ kinh tế phát sinh làm cho nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp năm hiện tại giảm nhẹ hơn so với các năm trong tương lai: Đây là khoản “Chênh lệch tạm thời chịu thuế”.

b/ Phương pháp nhận dạng theo định lượng (theo kết quả hoạt động):
- Khi nghiệp vụ kinh tế phát sinh làm cho Lợi nhuận kế toán trước thuế < (nhỏ hơn) Thu nhập tính thuế: Đây là khoản “Chênh lệch tạm thời được khấu trừ”. Trường hợp này xảy ra khi:
+ Nghiệp vụ kinh tế phát sinh làm cho Doanh thu, thu nhập (kế toán) < Doanh thu, thu nhập (Thuế); Hoặc
+ Nghiệp vụ kinh tế phát sinh làm cho Chi phí (kế toán) > Chi phí (Thuế);
- Khi nghiệp vụ kinh tế phát sinh làm cho Lợi nhuận kế toán trước thuế > (lớn hơn) Thu nhập tính thuế: Đây là khoản “Chênh lệch tạm thời chịu thuế”. Trường hợp này xảy ra khi:
+ Nghiệp vụ kinh tế phát sinh làm cho Doanh thu, thu nhập (kế toán) > Doanh thu, thu nhập (Thuế); Hoặc
+ Nghiệp vụ kinh tế phát sinh làm cho Chi phí (kế toán) < Chi phí (Thuế).
Tại doanh nghiệp, khi nghiệp vụ kinh tế phát sinh căn cứ theo chứng từ, kế toán dùng phương pháp trên để nhận dạng và xác định được các khoản chênh lệch tạm thời phát sinh giữa Kế toán và Thuế. Sau đó, kế toán sẽ xác định thuế TNDN hoãn lại như sau:

Tài sản thuế hoãn lại

- Căn cứ vào kết quả tính toán được, kế toán phản ánh “Tài sản thuế hoãn lại” phát sinh như sau:
Nợ TK 243 “Tài sản thuế hoãn lại”
Có TK 8212 “Chi phí thuế TNDN hoãn lại”

Thuế hoãn lại phải trả

- Căn cứ vào kết quả tính toán được, kế toán phản ánh “Thuế hoãn lại phải trả” phát sinh như sau:
Nợ TK 8212 “Chi phí thuế TNDN hoãn lại”
Có TK 347 “Thuế thu nhập hoãn lại phải trả”

- Tiếp theo sau đó, kế toán theo dõi và tính toán số hoàn nhập “Tài sản thuế hoãn lại” và “Thuế hoãn lại phải trả” trong tương lai. Bút toán hoàn nhập này sẽ được ghi ngược lại với bút toán ghi nhận tại thời điểm phát sinh.

Tóm lại, mỗi ngày người làm kế toán phải xử lý rất nhiều nghiệp vụ phát sinh tại doanh nghiệp mình; Ngoài việc xem xét, kiểm tra, ghi nhận cho phù hợp với Luật kế toán, chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán hiện hành mà còn phải kiểm tra, xem xét tính phù hợp và tuan thủ theo pháp luật Thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp. Do vậy, khối lượng công việc sẽ tăng lên rất nhiều nên việc nhận dạng các khoản chênh lệch tạm thời giữa kế toán và Thuế theo hướng dẫn tại Thông tư số 20/2006/TT-BTC ngày 20/03/2006 rất khó khăn và dễ bị nhầm lẫn. Tác giả hy vọng rằng, với phương pháp nhận dạng các khoản chênh lệch tạm thời nêu trên sẽ giúp cho những người làm công tác kế toán tại doanh nghiệp khi có nghiệp vụ phát sinh sẽ dễ dàng nhận dạng ra là nghiệp vụ nào có gây ra chênh lệch tạm thời giữa Thuế và kế toán hay không? Và không bị nhầm lẫn khoản chênh lệch tạm thời này là Chênh lệch tạm thời được khấu trừ hay Chênh lệch tạm thời chịu thuế. Như vậy, giúp cho việc trình bày thông tin trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp sẽ trung thực và hợp lý hơn.

***Hết***

 

CÁC CƠ SỞ THUỘC TRUNG TÂM

- Q3: Tư vấn học online, SĐT: (028) 6659 2738
- TB: 544 Cách Mạng Tháng 8 , phường 4, quận Tân Bình
- TĐ: 281A Võ Văn Ngân, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức
- BH: 02 Lê Quý Đôn, phường Tân Hiệp, Biên Hòa, Đồng Nai (Đối diện ĐH Đồng Nai)

LIÊN HỆ

  • Hotline: 0909 493 140

KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI

Kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội