Đăng ký khóa học

Giảm 10% khi đăng ký  học trực tiếp trước ngày khai giảng. Giảm 20% khi đăng ký học online trước ngày khai giảng tại Quận 3, Tân Bình. Giảm 30% cho nhóm đăng ký 5 người trờ lên.

 

Vai trò của nhà nước đối với phát triển nông thôn

nong-thon

Theo các lý thuyết, Nhà nước có vai trò không thể thiếu được đối với phát triển nông thôn, thể hiện qua các can thiệp ở các lĩnh vực khác nhau:

I/ Mục tiêu của Nhà nước khi can thiệp vào quá trình chuyển đổi nông thôn

Các chính sách phát triển nông thôn được Nhà nước tiến hành nhằm tối đa hóa phúc lợi của xã hội và hướng đến việc kích thích tăng trưởng kinh tế nhanh song song với xóa đói giảm nghèo một cách tích cực cho khu vực nông thôn. Tuy nhiên, các chính sách này thường có tính nhị nguyên, mà không phải bao giờ cũng đạt được sự thống nhất một cách trọn vẹn.

Nền kinh tế phải được vận hành một cách hiệu quả, điều này có nghĩa là chính sách phải giúp đạt được hiệu quả bằng cách phân bổ các nguồn lực khan hiếm cho cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp theo cách mà có thể tối đa hóa phúc lợi kinh tế - xã hội. Ngoài ra, Nhà nước cũng mong muốn đạt được sự công bằng, có nghĩa là có được sự phân phối công bằng các sự thỏa dụng và lợi nhuận cho tất cả cá nhân, gia đình và doanh nghiệp.

Hai mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và xóa đói giảm nghèo chính là đại diện của tính hiệu quả và công bằng mà Nhà nước mong muốn đạt đến thông qua các công cụ chính sách của mình.

Câu hỏi đặt ra là, liệu có bất kỳ xung đột nào giữa hiệu quả và công bằng? Hay nói cách khác, liệu có bất kỳ xung đột nào giữa tăng trưởng nhanh và xóa đói giảm nghèo?

Trên thực tế, ta thấy tăng trưởng giúp xóa đói giảm nghèo một cách hiệu quả, nhưng đồng thời cũng đào sâu hố cách biệt giàu – nghèo. Mục tiêu cụ thể của Nhà nước đối với phát triển nông thôn là rất đa diện, bao gồm:

i) Tăng cường sinh kế

ii) Tăng việc làm, thu nhập của nông dân và cư dân nông thôn

iii) Tăng cường dân chủ cơ sở

iv) Bảo vệ và bảo tồn tài nguyên tự nhiên, tính đa dạng sinh học và môi trường.

II/ Vai trò của Nhà nước đối với phát triển nông thôn

Vai trò của Nhà nước đối với phát triển nông thôn là cung cấp các dịch vụ và hàng hóa công, việc mà thị trường tự do không đảm đương được. Ngoài ra, một số lý do khác biện minh cho sự can thiệp của Nhà nước vào khu vực nông thôn là Nhà nước phải kích thích quá trình phát triển ngay từ điểm khởi đầu, và sau đó, tạo điều kiện cho các thành phần tư nhân và thị trường tham gia.

Hơn nữa, quá trình chuyển đổi nông thôn về phía phát triển và xóa đói giảm nghèo cần nhiều công cụ chính sách, ví dụ chính sách giá, thương mại, tạo ra công ăn việc làm, phát triển nông thôn và trợ giúp lương thực.

Các chính sách cung cấp dịch vụ và hàng hóa công góp phần thúc đẩy phát triển khu vực nông thôn, tạo ra tính năng động, hiệu quả và đồng thời thực hiện xóa đói giảm nghèo và bảo đảm tính công bằng song song với tăng cường hiệu quả.

Phát triển nông thôn cũng đòi hỏi cơ sở hạ tầng và hàng hóa dịch vụ công hỗ trợ và thị trường tốt. Can thiệp của Nhà nước đối với tiến trình chuyển đổi nông thôn cũng phản ảnh mục đích của Nhà nước, bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau. Thông qua việc đầu tư và đánh thuế, tăng cường cải thiện trình độ và năng suất lao động, Nhà nước có thể rút trích được nguồn lực từ nông nghiệp phục vụ cho các khu vực kinh tế khác.

Nhà nước cũng mong muốn khuyến khích phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn nhằm xóa khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, cải thiện phúc lợi cho người nghèo vốn chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn.

Phát triển nông thôn cũng tạo ra cơ hội tăng trưởng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây lương thực, dẫn đến việc tăng cường khả năng bảo đảm an ninh lương thực cho cả khu vực nông thôn và thành thị.

Thông qua sự can thiệp vào quá trình quản lý kiểm soát khai thác sử dụng tài nguyên cho sản xuất nông nghiệp tại khu vực nông thôn, Nhà nước có thể bảo vệ môi trường và nông nghiệp như là nguồn tài nguyên công.

Các can thiệp của Nhà nước về khía cạnh chính trị cũng giúp mở rộng quyền lực của Nhà nước, chính quyền và ổn định hóa chính trị ở khu vực nông thôn.

Vấn đề quan trọng là mức độ sâu và rộng của các can thiệp của Nhà nước vào quá trình chuyển đổi nông thôn có thể bị quá đà, dẫn đến triệt tiêu thị trường hoặc làm mất những vai trò điều tiết quan trọng của thị trường.

Các can thiệp quá sâu và không khôn ngoan có thể tạo ra các thất bại còn tệ hại hơn là các thất bại thị trường. Các nhà khoa học thuộc các trường phái kinh tế khác nhau vẫn tranh luận về vai trò và mức độ can thiệp của Nhà nước vào quá trình phát triển nông thôn. Nhìn chung, có hai xu hướng khác biệt về một số loại can thiệp thường được các chính phủ thực hiện.

III/ Một số can thiệp của Nhà nước

1/ Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học nông nghiệp, các nhà khoa học đều cho là phần lớn hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ nông nghiệp và các kết quả khoa học là các hàng hóa, dịch vụ công.

Hầu hết các kết quả nghiên cứu, các sản phẩm giống cây trồng, vật nuôi mới và quy trình canh tác, nuôi dưỡng đều được cung cấp cho nông dân một cách miễn phí.

Nhà nước cũng bỏ ra chi phí để thu thập, đánh giá, kiểm chứng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, các sáng kiến do nông dân tạo ra trên nông trại cho các nông dân khác.

Nhà nước không đầu tư vào các lĩnh vực mà khu vực tư nhân thực hiện thành công một cách cạnh tranh, ví dụ như hạt giống lai, công thức hóa chất, các sản phẩm có bản quyền sở hữu trí tuệ khác, v.v.

2/ Khuyến nông: là một dạng dịch vụ công mà hầu hết các chính phủ đều cung cấp cho nông dân.

Mục tiêu của khuyến nông là nhằm chuyển giao công nghệ và kiến thúc đến nông dân. Tuy nhiên, hiệu quả của hoạt động khuyến nông vẫn còn là vấn đề được đánh giá và tranh luận, vì các cơ quan nông nghiệp thường áp dụng cách tiếp cận từ trên xuống (top-down) và phương thức huấn luyện (training) trong khuyến nông, trong khi cách tiếp cận từ dưới lên (bottom-up) và cùng tham gia với nông dân (participatory) ít được áp dụng.

Ngoài ra, khoảng cách văn hóa và kiến thức giữa nhà khoa học, nhân viên khuyến nông và nông dân; và khoảng cách giữa thí nghiệm khoa học và thực tế sản xuất cũng dẫn đến tính kém hiệu quả của công tác khuyến nông.

3/ Nhà nước can thiệp thông qua đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt thủy lợi

Đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt thủy lợi là can thiệp được đồng thuận nhiều. Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn cho rằng Nhà nước chỉ nên đầu tư cho các công trình có quy mô lớn, và để cho khu vực tư nhân, thị trường thực hiện các công trình quy mô nhỏ, và đưa ra cách nhìn cơ sở hạ tầng như là hàng hóa hỗn hợp.

Các nhà khoa học cũng cho rằng việc trợ cấp quá đáng về cơ sở hạ tầng, nhất là thủy lợi (miễn phí thủy lợi) làm cho nông dân sử dụng nước không hiệu quả, lãng phí, trong khi Nhà nước lại thiếu vốn duy tu bảo dưỡng và xây mới khi cần thiết.

4/ Đầu tư về cơ sở hạ tầng tiếp thị nhằm giúp khu vực nông thôn và nông dân tiếp thị hàng hóa nông sản có hiệu quả hơn cũng được ủng hộ. Các loại hình cụ thể bao gồm đầu tư vào đường giao thông nông thôn, quốc lộ, đường sắt, đường thủy; mạng lưới truyền thông, thông tin; cung cấp điện; xây dựng các chợ trung tâm và chợ sỉ trong khu vực và thiết lập các tiêu chuẩn hàng hóa nông sản cho giao dịch.

5/ Sự can thiệp của chính phủ đối với chính sách đất đai:

Vấn đề cốt lõi là tùy theo các yếu tố văn hóa, lịch sử, chính trị và kinh tế mà các chính phủ có thể lựa chọn con đường khác nhau giữa tính công bằng hay hiệu quả trong sử dụng đất đai.

Nhiều chính phủ ủng hộ việc hình thành các nông trại quy mô nhỏ dựa trên hộ gia đình để bảo đảm tính công bằng về sở hữu hay sử dụng đất đai trong xã hội nông thôn.

Một số nghiên cứu cũng chứng minh nông trại quy mô nhỏ vẫn có hiệu quả. Trong khi đó, một số quốc gia lại ủng hộ việc hình thành các đồn điền nông nghiệp quy mô lớn để tăng hiệu quả sản xuất dựa trên tăng hiệu quả nhờ quy mô và áp dụng công nghệ hiện đại, và chấp nhận tình trạng có nhiều nông dân không đất, tá điền làm thuê cho chủ nông trại lớn.

6/ Tổ chức nông dân sản xuất dưới các hình thức tập thể

Vấn đề là, liệu khi nông dân hợp tác sản xuất thì liệu hiệu quả tổng thể có được cải thiện hay không. Để tham gia sản xuất hợp tác, nông dân cần có các động lực/khuyến khích mà các tổ chức nông dân đem lại so với sản xuất cá thể.

Theo lý thuyết và cả thực tiễn, hợp tác sản xuất có thể giúp làm giảm chi phí giao dịch; cải thiện vị thế và quyền lực của nông dân; giúp nông dân dễ tiếp cận đến tín dụng; và cuối cùng là tham gia các mối liên kết dọc tốt hơn.

Mặc dù vậy, sự thành công hay thất bại của các hình thức tổ chức sản xuất của nông dân còn lệ thuộc nhiều vào kỹ năng quản lý và năng lực lãnh đạo của nông dân, vốn được đánh giá là còn yếu. Ngoài ra, các lợi ích cá nhân thường dẫn đến thất bại trong việc chia xẻ lợi ích có được giữa những người tham gia.

7/ Can thiệp của Nhà nước còn thể hiện ở việc thành lập các hội đồng tiếp thị(marketing board). Đây là các tổ chức nhà nước trực tiếp làm tiếp thị đối với các yếu tố đầu vào và sản phẩm.

Nhiều chính phủ giữ thế độc quyền trong kinh doanh xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ yếu nào đó, nhất là lương thực, ngũ cốc. Thông qua các hội đồng tiếp thị này, Nhà nước đánh thuế hàng hóa xuất khẩu, ổn định giá nội địa, giữ vai trò độc quyền trên thị trường.

Câu hỏi tranh cãi đặt ra là liệu Nhà nước có thể giải thể vai trò của thương lái trung gian trên thực tế được hay không; liệu Nhà nước có thể thay thế vai trò của tư nhân một cách hiệu quả hay không?

Ngoài ra, liệu cách thức quản lý độc quyền của Nhà nước này có thể gây ra thất bại tệ hơn thất bại thị trường hay không? Các ý kiến không đồng thuận đều có xu hướng cho rằng can thiệp mang tính độc quyền của Nhà nước làm bóp méo thị trường, tổn thất xã hội sẽ lớn hơn lợi ích phân phối có được cho hai nhóm đối tượng thụ hưởng chính là nông dân sản xuất và các hội đồng tiếp thị.

8/ Khi chính phủ can thiệp về giá nông sản, nhất là lương thực, câu hỏi đặt ra là chính phủ có nên làm như thế hay không. Liệu việc can thiệp có tăng hiệu quả cho nền kinh tế và nhờ đó, thúc đẩy tăng trưởng không? Liệu việc can thiệp có làm cho phân phối thu nhập tốt hơn và tăng phúc lợi của người nghèo không?

Phía ủng hộ việc can thiệp này cho rằng ổn định giá trong dài hạn đóng góp cả hai phía tăng hiệu quả kinh tế và hiệu quả phân phối thu nhập. Trong khi đó, phía không ủng hộ lại cho rằng phúc lợi có được từ ổn định giá ít hơn và chi phí bỏ ra để ổn định giá.

Tóm lại:

Có thể nói vai trò của Nhà nước đối với phát triển nông thôn là hết sức cần thiết. Tùy vào hoàn cảnh riêng của từng quốc gia, và sự khôn ngoan của chính phủ mà các can thiệp của Nhà nước thành công hay thất bại. 

Mỗi một quốc gia đều khác biệt, đều có lịch sử, thể chế, cấu trúc kinh tế riêng của mình, và có quyền lựa chọn con đường đi riêng của mình trong phát triển nông thôn.

CÁC CƠ SỞ THUỘC TRUNG TÂM

- Q3: Tư vấn học online, SĐT: (028) 6659 2738
- TB: 544 Cách Mạng Tháng 8 , phường 4, quận Tân Bình
- TĐ: 281A Võ Văn Ngân, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức
- BH: 02 Lê Quý Đôn, phường Tân Hiệp, Biên Hòa, Đồng Nai (Đối diện ĐH Đồng Nai)

LIÊN HỆ

  • Hotline: 0909 493 140

KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI

Kết nối với chúng tôi trên mạng xã hội